Trong thời đại công nghệ, việc kinh doanh, bán hàng online đã diễn ra sôi nổi và trở thành xu thế mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Nhiều cửa hàng đã đầu tư thời gian, công sức để chụp hình, quay video sản phẩm để quảng cáo và cung cấp cho khách hàng những hình ảnh chân thực nhất về sản phẩm. Tuy nhiên, việc quảng cáo trên mạng bằng hình ảnh đang không thể tránh khỏi nguy cơ bị xâm phạm bản quyền. Có rất nhiều cửa hàng kinh doanh online đã sử dụng những hình ảnh của người khác để sử dụng cho việc kinh doanh của mình, gây ảnh hưởng uy tín của nhãn hàng bị sao chép, cũng như khiến khách hàng nhầm lẫn.

1. Hình ảnh là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả

Hình ảnh là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ dưới tên gọi tác phẩm nhiếp ảnh. Điều 14 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 2 năm 2018 quy định cụ thể như sau:

Tác phẩm nhiếp ảnh quy định tại là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích”.

Việc những nhãn hàng, cửa hiệu đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, thời gian và công sức để chụp ảnh sản phẩm nhằm quảng cáo mặt hàng, quảng cáo thương hiệu có nghĩa là nhãn hàng, cửa hiệu đó là chủ sở hữu của những bức ảnh được tạo ra và là người nắm giữ quyền tài sản thuộc quyền tác giả. Nếu người khác muốn sử dụng những bức ảnh của họ thì phải  được sự cho phép của nhãn hàng, cửa hiệu đó và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho họ (Theo quy định tại Điều 20 Khoản 2 Luật Sở hữu trí tuệ), trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng hành vi lấy ảnh của các nhãn hàng, cửa hiệu đó mà không xin phép, không trả tiền để sử dụng cho mục đích kinh doanh là hành vi xâm phạm bản quyền.  

2. Hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh trong kinh doanh online sẽ bị xử lý như thế nào?

Việc sử dụng hình ảnh trong kinh doanh online giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu và dễ dàng tiếp cận đến người tiêu dùng một cách rộng rãi và hiệu quả. Nhiều thương hiệu, cửa hàng đã đầu tư rất lớn cho việc sáng tạo những hình ảnh độc đáo, ấn tương, gây chú ý để quảng bá cho sản phẩm và thương hiệu của mình. Tuy nhiên, nhiều người bán hàng online khác lại sao chép lại hình ảnh đó và dùng cho mục đích kinh doanh của mình, thực hiện xóa tên thương hiệu ban đầu và chèn tên thương hiệu của mình vào, thậm chí, những người này còn có tương tác bán hàng nhiều hơn so với nhãn hàng gốc.

Hành vi nêu trên là hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả. Theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ – CP, hành vi này sẽ được xứ phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”

Bên cạnh đó, hành vi cắt ghép hình ảnh, xóa tên thương hiệu gốc cũng được coi là hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh của chủ sở hữu quyền tác giả. Theo Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ – CP, hành vi này sẽ được xứ phạt như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”

Trên đây là bài viết “Vấn đề xâm phạm bản quyền hình ảnh trong kinh doanh online”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,