Một bức ảnh có thể là nguồn cảm hứng cho một tác phẩm hội họa được sinh ra. Tuy nhiên, việc sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh có sẵn của một người khác để làm mẫu vẽ thành tranh liệu có được coi là vi phạm quyền tác giả hay không? Chúng tôi xin được giải thích vấn đề này dưới đây.

1. Bản chất của việc vẽ hoặc đồ họa lại tranh từ tác phẩm nhiếp ảnh

Trong thời đại ngày nay, việc chụp ảnh không còn khó khăn do hầu như ai cũng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có thể chụp ảnh và dễ dàng đăng tải nó lên mạng. Đối với họa sĩ, những người vẽ tranh, ảnh chụp là một nguồn tư liệu rất phong phú, hữu ích và có giá trị, bởi ảnh chụp có thể ghi lại được mẫu một cách nhanh chóng, thuận tiện, tỉ mỉ và chính xác đến từng chi tiết, đặc biệt là những đối tượng chuyển động nhanh như động vật, xe cộ, hoặc những đối tượng thay đổi theo thời gian và cả khả năng diễn tả ánh sáng gần sát nhất với thực tế. Do đó, việc họa sĩ sử dụng ảnh chụp để làm tư liệu hoặc làm mẫu để sao chép lại thành tranh không phải là điều khó thấy hiện nay.

Mặc dù vậy, trước khi sao chép ảnh chụp mẫu thành tranh, các họa sĩ cần lưu ý một số những quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến tác phẩm nhiếp ảnh. Bởi lẽ, dưới góc độ sở hữu trí tuệ, việc sao chép lại tác phẩm nhiếp ảnh thành tranh được coi là làm tác phẩm phái sinh và việc làm này phải được sự đồng ý của tác giả tác phẩm nhiếp ảnh. Điều này được giải thích như sau:

  • Theo quy định tại Điều 14 Khoản 1 điểm h Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm nhiếp ảnh là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Để giải thích rõ hơn về tác phẩm nhiếp ảnh, Nghị định 22/2018/NĐ-CP đã quy định tại Điều 14 như sau: “Tác phẩm nhiếp ảnh quy định tại điểm h khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.
  • Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác (Điều 4 Khoản 8 Luật Sở hữu trí tuệ). Do đó, việc chuyển thể hình ảnh từ tác phẩm nhiếp ảnh thành tác phẩm mỹ thuật hội họa hoặc đồ họa là việc thực hiện tác phẩm phái sinh.
  • Quyền làm tác phẩm phái sinh là một trong những quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền này. Theo đó, các tổ chức, cá nhân muốn thực hiện tác phẩm phái sinh thì phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Vẽ hoặc đồ họa lại tranh từ tác phẩm nhiếp ảnh của người khác có được coi là vi phạm quyền tác giả hay không?

Có thể thấy rằng, việc vẽ hoặc đồ họa lại tranh từ tác phẩm nhiếp ảnh của người khác được coi là xâm phạm quyền tác giả nếu người thực hiện không xin phép tác giả của tác phẩm nhiếp ảnh hoặc không trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Cụ thể, theo Điều 28 Khoản 2 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi được coi làm xâm phạm quyền tác giả nếu hành vi đó xâm phạm quyền tài sản thuộc quyền tác giả, trong đó có quyền làm tác phẩm phái sinh.

Theo Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, người thực hiện hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh sẽ bị xử lý như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng4 và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”

Vì những lí do trên, những họa sĩ, người vẽ tranh cần lưu ý nếu muốn lấy ảnh chụp làm mẫu để sao chép lại, vẽ hoặc đồ họa thành tranh thì phải xin phép và trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của bức ảnh đó.

Trên đây là bài viết “Vẽ hoặc đồ họa lại tranh từ tác phẩm nhiếp ảnh của người khác có được coi là vi phạm quyền tác giả hay không?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,