Thay vì phải trả 1 khoản tiền để ra rạp hoặc xem phim ở các website bản quyền như Netflix, HBO go, Apple TV+…, một người có thể dễ dàng lên Google tìm và xem một bộ phim thông qua các trang web không phải của nhà sản xuất, không chính thức với cái giá “miễn phí”. Chính vì sự “miễn phí”, đồng thời do không hiểu rõ về luật sở hữu trí tuệ cũng như những nguy hiểm rình rập sau đó, nhiều khán giả vẫn không nhận thức được rằng hành vi xem phim mà không trả phí trên những trang web đó là sai. Bài viết sau của VCD sẽ nêu rõ hơn về những lý do tại sao khán giả không nên xem phim trên web “lậu”.

1. Web phim “lậu” là gì?

Web phim “lậu” không phải là trang web chính thức của nhà sản xuất nhưng đã thực hiện đăng tải lại các bộ phim điện ảnh, truyền hình, các chương trình giải trí đó mà không xin phép, không trả tiền bản quyền của phim cho nhà sản xuất. Những trang web này đã sao chép, cắt nối, biên dịch lại lời thoại, trình chiếu và truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền, đồng thời thực hiện kinh doanh quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ khác trên trang web và chèn quảng cáo vào các bộ phim nhằm thu lợi bất chính.

2. Các web phim “lậu” có hoạt động trái pháp luật không?

Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, “tác phẩm điện ảnh, tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự” là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Việc đăng tải phim công khai lên các trang web “lậu” là một hình thức xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh. Cụ thể, hành vi nêu trên đã vi phạm quyền phân phối tác phẩm và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn (Theo Điều 20 và Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ).

Hành vi không xin phép, không trả tiền bản quyền mà đã phân phối và truyền đạt tác phẩm tới công chúng là hành vi gây thiệt hại kinh tế cho nhà sản xuất và những người tham gia thực hiện tác phẩm điện ảnh. Không chỉ vậy, hành vi nêu trên còn triệt tiêu động lực phát triển của thị trường phim ảnh nói riêng và thị trường các tác phẩm sáng tạo khác nói chung.

Theo quy định hiện hành, hành vi này có thể bị xử lý hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 211, Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ) tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, cụ thể:

  • Về xử lý hành chính, theo Điều 15 và Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi phát tán phim lậu có thể bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng.
  • Về xử lý hình sự, hành vi trình chiếu, đăng tải công khai tác phẩm điện ảnh không được cấp bản quyền là hành vi có dấu hiệu của tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” được quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Như vậy, việc các trang phim lậu tiếng Việt tự ý sao chép tác phẩm điện ảnh trong sản xuất trong nước hoặc nước ngoài, làm thuyết minh, phụ đề tiếng Việt rồi đăng tải để thu lợi bất chính mà không được chủ sở hữu (trong hoặc ngoài nước) cho phép chính là hành vi xâm phạm quyền tác giả và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

3. Những lý do không nên xem phim trên web “lậu”

“Nếu coi phim ảnh giải trí là thức ăn cho tâm trí thì web lậu là những “quán ăn” độc hại bán thực phẩm bẩn, dù nó cho không, nhưng làm gì có cái gì thật tốt mà lại cho không?”. Vì vậy, khán giả không nên xem phim trên web “lậu” vì những lý do sau:

Thứ nhất, việc xem phim “lậu” kém chất lượng làm quá trình trải nghiệm của người xem không được trọn vẹn. Khi các trang web này đánh cắp những bộ phim từ các nhà sản xuất, tất nhiên sẽ không bao giờ đảm bảo được những hình ảnh sắc nét 4K hay 1080 HD như ở ngoài rạp hay trên ứng dụng trực tuyến. Đồng thời, những bản sao chép phim “lậu” còn có thể bị cắt nối, biên tập lại, chèn thêm những đoạn quảng cáo khiến người xem khó chịu.

Thứ hai, có những nguy hiểm tiềm ẩn cho người dùng trên trang phim “lậu”. Nhiều trang phim lậu có cài mã độc hoặc kèm theo link dẫn tới trang chứa mã độc để phục vụ những mưu đồ cá nhân. Nhiều kẻ làm trang phim lậu còn biến trang phim thành trang “tổng hợp”, kèm theo phim còn chạy quảng cáo chào mời cờ bạc trực tuyến, cá cược thể thao, nhất là cá cược bóng đá…

Thứ ba, việc xem phim trên web “lậu” là đang tiếp tay cho hành vi sai trái. Việc xem phim mà không trả phí khiến các hãng phim và các trang web mua bản quyền phim không thu được lợi nhuận, không bù đắp được cho khoản đầu tư đã bỏ ra để sản xuất phim trước đó cũng như không có đủ kinh phí để chi trả tiền công cho các siễn viên, đạo diễn và những người tham gia dựng phim. Ngoài ra, những tác phẩm điện ảnh là những đứa con tinh thần của những người thực hiện, việc xem phim không trả phí khiến cho những người làm phim cảm thấy công sức họ bỏ ra không được trân trọng, từ đó không tạo được động lực sáng tạo, phát triển để thực hiện những tác phẩm có giá trị. Tại Việt Nam, nếu còn có người tiếp tay và không xử lý triệt để hành vi vi phạm nêu trên, nề điện ảnh nội địa sẽ không còn sức cạnh tranh với các nền điện ảnh nước ngoài, không có cơ hội, động lực để phát triển.

Trên đây là bài viết “Vì sao không nên xem phim trên web “lậu”?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng