Youtube là một trong những nền tảng xã hội nổi bật nhất hiện này với số lượng người dùng khủng. Trung bình có hơn 500 giờ nội dung được tải lên nền tảng chia sẻ video này mỗi phút. Điều này tương đương với 30.000 giờ nội dung được tải lên/giờ, và 720.000 giờ nội dung/ngày. Với lượng video đăng tải khổng lồ như vậy, vấn đề về bảo vệ bản quyền không bị xâm phạm rất được các tác giả và chủ sở hữu quan tâm khi sử dụng nền tảng này, vậy liệu các video trên Youtube có thể đăng ký bảo hộ quyền tác giả được hay không?

1. Video Youtube là gì?

Video trên YouTube là những video được đăng tải trên Youtube – nền tảng chuyên chia sẻ video trực tuyến. Đây là hình thức sáng tạo nội dung phổ biến và được ưa chuộng nhất hiện nay bởi các tính năng nổi trội và tiện lợi mà YouTube mang lại.

Các video đa dạng về chủ đề từ phim ảnh, ca nhạc, chia sẻ thông tin, kiến thức,… được kiểm duyệt thường xuyên bởi các trụ sở của Youtube đặt tại các nước. Hiện Youtube đã phát triển và có mặt trên hầu hết mọi quốc gia với hơn 50 ngôn ngữ khác nhau trong đó có Tiếng Việt.

Mỗi video đăng trên youtube đều được tác giả, ekip sản xuất đầu tư chỉnh chu, nghiêm túc. Video là kết tinh của một quá trình sáng tạo và chính là đứa con tinh thần của tác giả. Vậy nên các tác giả và chủ sở hữu rất quan tâm về vấn đề bản quyền đối với video mình đăng tải.

2. Video Youtube có đăng kí bản quyền được không?

Tùy thuộc vào nội dung của video bạn sẽ có thể đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan phù hợp. Chủ sở hữu bản quyền video có thể sử dụng một hệ thống có tên là Content ID để dễ dàng đăng ký bản quyền youtube, xác định và quản lý nội dung của họ trên youtube hoặc bảo hộ bằng việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cho tác phẩm.

2.1. Đăng ký quyền tác giả đối với video trên Youtube

Thứ nhất, trường hợp người đứng tên đơn đăng ký là tác giả (người sáng tác ra kịch bản, âm thanh, đồ họa… của video) thì có thể đăng ký bản quyền cho video trên YouTube dưới dạng quyền tác giả với tư cách chủ sở hữu quyền tác giả đồng thời là tác giả đối với tác phẩm điện ảnh;

Theo Khoản 1 Điều 21 Luật SHTT quy định “Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận.”

Thứ hai, trường hợp người đăng ký có thể đăng ký quyền tác giả cho video trên YouTube với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả đối với tác phẩm điện ảnh trong các trường hợp sau:

  • Người đăng ký giao hoặc ký kết hợp đồng với tác giả;
  • Người đăng ký là người thừa kế quyền tác giả;
  • Người đăng ký là người được chuyển giao quyền tác giả.

2.2. Đăng ký quyền liên quan đối với video trên Youtube

Quyền liên quan theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật SHTT được định nghĩa là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng…

Quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật SHTT quy định “Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan.”

Vậy, nếu người đứng tên đăng ký là người đầu tư thời gian, tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình video trên YouTube thì sẽ có quyền đăng ký bản quyền với tư cách là chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình đó.

Trên đây là bài viết “Video Youtube có đăng kí bản quyền được không?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,