Thay vì những cuốn sách giấy truyền thống, trong thời đại thông tin bùng nổ, việc sử dụng sách điện tử (ebook) khiến con người thuận tiện hơn trong việc đọc, mang theo bên người và lưu trữ sách. Tuy nhiên, sách điện tử cũng phải đối mặt nguy cơ bị xâm phạm bản quyền vô cùng cao, nhiều trường hợp sách giấy đã bị sao chép, làm thành sách điện tử và phát tán bất hợp pháp trên mạng, gây thiệt hại cho tác giả và các nhà xuất bản. Có thể khẳng định rằng, hành vi sử dụng sách của người khác để làm sách điện tử (ebook) và chia sẻ lên mạng internet là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
1. Sách điện tử là gì?
Sách điện tử là những cuốn sách được xuất bản dưới dạng số hóa, tồn tại dưới dạng một file điện tử (tệp tin số), được sử dụng thông qua các thiết bị điện tử cá nhân như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy đọc sách. Sách điện tử được phát hành trên môi trường mạng internet, người đọc sẽ thực hiện mua sách tại các cửa hàng trực tuyến và có thể tải sách về và đọc ngay trên thiết bị cá nhân của mình, kể cả khi kết nối mạng và khi không có kết nối mạng.
Sách điện tử thường được định dạng dưới các dạng như EPUB, PDF, MOBI, AZW, TXT,…là các loại định dạng khiến người khác không chỉnh sửa được nội dung sách. Tuy không thể chỉnh sửa được nội dung nhưng sách điện tử được thiết kế để người đọc có thể tùy chọn hình thức đọc (khổ ngang- dọc, kiểu chữ, cỡ chữ,…) và tương thích với các loại màn hình có kích thước khác nhau.
Hiện nay, sách điện tử được ưa chuộng bởi những lí do như tiết kiệm không gian lưu trữ, tiết kiệm chi phí do giá thành thường rẻ hơn sách giấy, có thể mua một cách nhanh chóng mà không cần trực tiếp tới cửa hàng, dễ mang theo khi di chuyển.
2. Hành vi sử dụng sách của người khác để làm sách điện tử (ebook) và chia sẻ lên mạng internet là hành vi xâm phạm quyền tác giả
Trên thực tế, các nhà xuất bản ngoài việc phải đối mặt với sách in lậu còn phải đối mặt với việc ebook bị làm “lậu” và phát tán tràn lan trên mạng. Đã có nhiều cá nhân sử dụng sách gốc của người khác đã xuất bản để làm ebook và chia sẻ lên mạng internet, kể cả chia sẻ miễn phí hay bán lại với giá rẻ, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền tác giả đối với những cuốn sách đó.
Theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sao chép tác phẩm, quyền phân phối, truyền đạt tác phẩm đến công chúng là một số quyền nằm trong những quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền nêu trên, đồng thời tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền nêu trên phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Bên cạnh đó, theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm các quyền tài sản của tác giả, bao gồm các quyền sao chép, phân phối, truyền đạt tác phẩm,…đều được xác định là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Hành vi sử dụng sách gốc của người khác đã xuất bản để làm ebook và chia sẻ lên mạng internet đã xâm phạm tới quyền sao chép, quyền phân phối và truyền đạt tác phẩm thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả.
Hành vi nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ -CP như sau:
- Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm (Điều 15): Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
- Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng (Điều 17): Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.
- Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm (Điều 18): Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Vì những lí do trên, những cá nhân, tổ chức nếu muốn sử dụng một cuốn sách để làm sách điện tử thì phải xin phép và trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của cuốn sách đó. Nếu không thực hiện, người đó sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt nêu trên.
Trên đây là bài viết “Việc lấy sách của người khác để làm sách điện tử (ebook) và chia sẻ lên mạng internet có xâm phạm quyền tác giả hay không?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,