Các phần mềm chính thống thường có phí sử dụng rất cao, điều này khiến người dùng máy tính e ngại và hay tìm đến một cách “lách luật” khác, đó là dùng phần mềm crack. Phần mềm crack ngày càng được phổ biến vì khi sử dụng các phần mềm đó người dùng sẽ không phải trả phí nhưng vẫn sử dụng được hết chức năng. Tuy nhiên, điều này có thể gây những nguy cơ tiềm ẩn cho khách hàng. Vậy, việc người dùng sử dụng phần mềm crack có được coi là vi phạm pháp luật không, hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Phần mềm crack là gì?

Pháp luật Việt nam chưa có định nghĩa rõ ràng về “Phần mềm crack”. Crack có thể hình dung là hành động của lập trình viên bẻ khóa để truy cập vào phần mềm một cách lén lút, ăn trộm phần mềm, làm cho một sản phẩm phần mềm có đăng ký bản quyền, phải trả phí để có thể sử dụng trở thành miễn phí khi được kích hoạt.

Ngắn gọn, phần mềm crack được hiểu đơn giản nhất là các phần mềm trả phí đã được bẻ khóa, khi sử dụng các phần mềm đã được crack, người dùng được sử dụng tất cả các chức năng miễn phí tất cả các chức năng và không bị giới hạn về thời gian.

2. Tại sao phần mềm crack lại được nhiều người sử dụng?

Một trong những tiện ích đầu tiên và lớn nhất đối với người sử dụng phần mềm crack là được sử dụng miễn phí tất cả các chức năng mà không bị giới hạn. Một số ứng dụng có phí muốn sử dụng phải tốn từ vài chục nghìn đến vài chục triệu một năm. Do đó, việc sử dụng phần mềm crack sẽ giảm thiểu một khoản tiền bỏ ra không hề nhỏ.

Ngoài ra, việc có được các file crack sẽ giúp cài đặt các phần mềm một cách thoải mái và nhanh chóng. Cũng như dễ dàng chia sẻ cho nhiều người sử dụng, không cần phải mua một phần mềm nhiều lần để cài trên nhiều máy khác nhau.

3. Sử dụng phần mềm crack có vi phạm pháp luật không?

Pháp luật cấm mọi biện pháp sao chép, sử dụng trái phép các phần mềm, mở khóa phần mềm khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu trí tuệ. Vì vậy việc sử dụng phần mềm không có bản quyền là vi phạm pháp luật. Trong mọi trường hợp, vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ luôn được quan tâm hơn cả.

Crack không chỉ tác động xấu đến độ ổn định của hệ thống mà còn tiềm ẩn các nguy cơ đánh mất thông tin quan trọng cùng những phiền phức do các chương trình phá hoại ẩn gây ra và đặc biệt hơn cả là tác động rất xấu đến ý thức người dùng. Không những vậy, hành vi trên còn là hành vi vi phạm pháp luật vì các chương trình máy tính là một trong những đối tượng nằm trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.

“Crack” là một hành động can thiệp nhằm vô hiệu hoá tính năng bảo vệ bản quyền của nhà sản xuất. Do đó, hành vi trên là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

“4. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này”.

Hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật, công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (theo Điều 20 Nghị định 131/2013/NĐ-CP).

Hành vi tải và sử dụng phần mềm crack là hành vi vi phạm quyền tác giả. Cụ thể hơn, nó được coi là hành vi sao chép và sử dụng phần mềm máy tính mà không sự xin phép chủ sở hữu và trả tiền bản quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.

“Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả”.

Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng (theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP).

Sử dụng phần mềm crack đồng nghĩa với việc vi phạm bản quyền, khi bị phát hiện sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm. Theo Luật Sở hữu trí tuệ quy định thì hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự có yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên việc sử dụng phần mềm crack ở Việt Nam diễn ra rất phổ biến và thường xuyên, gần như không có sự quản lý, trong tương lai từ nay về sau, việc xử lý sử dụng những hành vi vi phạm trên ở Việt Nam cần phải được áp dụng và làm chặt chẽ hơn.

Trên đây là bài viết “Việc sử dụng phần mềm crack có vi phạm pháp luật không?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,