Các tác phẩm sáng tạo được hình thành dựa trên các ý tưởng sáng tạo. Việc bảo hộ các tác phẩm sáng tạo là rất cần thiết trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ý tưởng có được bảo hộ quyền tác giả hay không. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của VCD để biết thêm thông tin.

1. Ý tưởng là gì?

Ý tưởng là một khái niệm trừu tượng, thường được hiểu là suy nghĩ hoặc sáng tạo một khái niệm mới hoặc phương pháp mới để giải quyết một vấn đề nào đó. Ý tưởng thường bắt nguồn từ trí tuệ, kinh nghiệm và kiến thức của con người và có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm khoa học, công nghệ, nghệ thuật, kinh doanh, giáo dục, xã hội và chính trị.

Nhìn chung, ý tưởng là những nội dung thể hiện quan điểm, nghĩ suy diễn ra trong bộ não của một người trước khi họ tiến hành một hành động nào đó. Trong ngữ cảnh của quyền tác giả, ý tưởng có thể là những mong muốn đầu tiên thúc đẩy sự sáng tạo và động lực hoàn thành tác phẩm của tác giả.

2. Ý tưởng có được bảo hộ quyền tác giả hay không?

Tác phẩm sáng tạo để được bảo hộ quyền tác giả cần đáp ứng những tiêu chí sau đây:

  • Tác phẩm phải có tính nguyên gốc. Tính nguyên gốc có nghĩa là tác phẩm phải được hình thành từ sự lao động sáng tạo của chính tác giả, không sao chép toàn bộ hoặc một phần từ tác phẩm khác.
  • Tác phẩm phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Có nghĩa là, tác phẩm sáng tạo phải được thiết kế, hình thành hoàn chỉnh từ nội dung đến hình thức thì mới đạt điều kiện bảo hộ. Nếu tác phẩm chỉ ở dạng suy nghĩ, ý tưởng, chưa được đưa vào thực hiện trên thực tế thì không được bảo hộ.
  • Điều kiện về chủ thể của quyền tác giả: Là tổ chức, cá nhân Việt Nam hay nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào; là tổ chức, cá nhân Việt Nam hay nước ngoài có tác phẩm được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; là tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

Tuy rằng, một tác phẩm muốn được hoàn thiện thì đều phải xuất phát từ những ý tưởng của tác giả. Nhưng nếu tác giả chỉ để “tác phẩm” của mình dừng lại ở giai đoạn ý tưởng thì sẽ không đủ cơ sở giúp cơ quan nhà nước xác định được mình có sở hữu “tác phẩm” đó hay không. Nếu muốn được bảo hộ, tác phẩm sáng tạo phải hình thành dưới một hình thức vật chất xác định, bởi lẽ, ý tưởng có thể tương tự nhau nhưng nếu chúng được sáng tạo theo các cách thức khác nhau thì mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn riêng biệt.

Nội dung này được khẳng định rõ tại khoản 1 Điều 6 Luật SHTT về căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả như sau: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.” Vậy nên, tác phẩm chỉ được bảo hộ quyền tác giả đối với hình thức thể hiện ý tưởng dưới một hình thức sáng tạo nhất định và sẽ không bảo hộ quyền tác giả đối với riêng bản thân ý tưởng.

Trên đây là bài viết “Ý tưởng có được bảo hộ quyền tác giả không?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,