Trong thực tế, không khó để bắt gặp những sự trùng hợp trong tên gọi của các tác phẩm khác nhau, ví dụ như hai bài thơ cùng tên là “Đất nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm và tác giả Nguyễn Đình Thi; bài hát “Chưa bao giờ” do ca sĩ Thu Phương biểu diễn và một bài hát khác cũng lấy tên “Chưa bao giờ” do ca sĩ Trung Quân biểu diễn; hay vụ việc trùng tên của các cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa công ty Sen Vàng và công ty Minh Khang Việt Nam…Việc đặt trùng tên tác phẩm, dù vô tình hay hữu ý, đều mang lại những ảnh hưởng nhất định tới danh tiếng của tác giả và tác phẩm. Đặt dưới góc độ pháp luật về Sở hữu trí tuệ, liệu những tác phẩm có tên trùng với tác phẩm khác có được bảo hộ quyền tác giả không, hay nói cách khác, việc trùng tên có được coi là xâm phạm quyền tác giả hay không, chúng tôi xin được giải thích trong bài viết này.
1. Quy định của pháp luật Việt Nam dưới góc độ quyền tác giả về bảo hộ tên tác phẩm
Theo Điều 19 Khoản 1 Luật Sở hữu trí tuệ, tác giả có quyền đặt tên cho tác phẩm và có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản. Quyền này không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác (Điều 20 Khoản 1 Nghị định 22/2018/NĐ-CP), nghĩa là đối với tác phẩm dịch, tên tác phẩm phải là tên gọi được dịch trực tiếp từ tên tác phẩm tiếng nước ngoài.
Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
- Tác phẩm báo chí;
- Tác phẩm âm nhạc;
- Tác phẩm sân khấu;
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
- Tác phẩm nhiếp ảnh;
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu;
Bên cạnh đó, dựa vào nguồn gốc hình thành tác phẩm, tác phẩm gốc và tác phẩm phái sinh đều được bảo hộ quyền tác giả, với điều kiện việc tạo ra tác phẩm phái sinh không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Như vậy, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nêu trên, tên tác phẩm không phải một loại hình riêng biệt được bảo hộ quyền tác giả một cách độc lập. Pháp luật chỉ bảo hộ tổng thể đối với toàn bộ tác phẩm mà không bảo hộ tên tác phẩm riêng. Quyền tác giả không bảo hộ độc quyền đối với toàn bộ hoặc một phần tên gọi của tác phẩm, có nghĩa là khi một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả thì tên tác phẩm đó không phải chỉ duy nhất tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được sử dụng. Tên tác phẩm không phải được tác giả, người sở hữu quyền tác giả độc quyền sử dụng mà người khác có thể lấy tên tác phẩm của mình trùng hoặc có những từ ngữ, thành phần tương tự với tên đó.
Về bản chất, quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm mà không bảo hộ nội dung ý tưởng sáng tạo được truyền tải trong tác phẩm. Có những trường hợp nhiều tác phẩm có ý tưởng, nội dung tương tự nhau nhưng có cách thể hiện khác nhau thì vẫn được coi là những tác phẩm riêng biệt và được bảo hộ. Trong trường hợp các tác giả tự sáng tác, triển khai các ý tưởng của mình trong cùng một chủ đề thì việc đặt tên trùng nhau là việc hoàn toàn có thể xảy ra và việc này không phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
2. Giải pháp cho việc trùng tên tác phẩm
Dưới góc độ bảo hộ quyền tác giả, việc trùng tên tác phẩm là tình huống không hiếm gặp và không được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, trên thực tế, việc trùng tên tác phẩm trong một số trường hợp cũng tạo ra ảnh hưởng nhất định tới công chúng. Trong những trường hợp mà tên gọi tác phẩm trùng nhau gây ra những ảnh hưởng về lợi ích kinh tế cũng như danh tiếng của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và tác phẩm, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả cần có những biện pháp thích hợp hơn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Việc trùng lặp tên tiếng Việt giữa hai cuộc thi sắc đẹp “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” giữa công ty Sen Vàng (chủ đầu tư của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 -Miss Grand Vietnam 2022) và công ty Minh Khang (chủ đầu tư của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022- Miss Peace Vietnam) là một ví dụ cho thấy mặc dù việc trùng tên không phải là xâm phạm quyền tác giả nhưng vẫn dễ gây nhầm lẫn cho công chúng, ảnh hưởng tới danh tiếng và lợi ích kinh tế của chủ sở hữu quyền tác giả. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình, bên cạnh việc đăng ký quyền tác giả, các đơn vị tổ chức có thể suy xét thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với tên gọi của cuộc thi để nắm giữ quyền độc quyền khai thác, sử dụng tên gọi và ngăn cấm cá nhân, tổ chức khác sử dụng các tên gọi trùng với tên gọi của mình.
Vì vậy, để tránh sự trùng lặp tên gọi gây những phiền toái về sau này, trước khi đăng ký bản quyền, tác giả và chủ sở hữu nên kiểm tra, cân nhắc kỹ về tên gọi của tác phẩm. Trong trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả muốn độc quyền sử dụng tên gọi, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có thể thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với tên gọi đó đồng thời với việc đăng ký quyền tác giả.
Trên đây là bài viết “Tác phẩm có tên trùng với tác phẩm khác có được bảo hộ không?”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,