Nghệ thuật là một phần không thể thiếu trong đời sống của con người. Các tác phẩm nghệ thuật âm nhạc và sân khấu thường được công chúng biết tới thông qua sự truyền tải của những người biểu diễn. Tuy nhiên, người biểu diễn không phải là người viết nên nội dung của tác phẩm mà chỉ là người thể hiện tác phẩm bằng những loại hình sân khấu khác nhau, bằng kỹ thuật, sự sáng tạo của cá nhân người biểu diễn đó. Nội dung của những buổi biểu diễn đó từ đâu mà có, không thể không nhắc đến công lao của các tác giả, người đã dành thời gian, công sức để sáng tạo nên những tác phẩm. Vậy, mối liên quan giữa người biểu diễn và tác giả như thế nào, trước khi biểu diễn một tác phẩm, người biểu diễn có cần phải xin phép tác giả hay không? Bài viết sau đây chúng tôi xin trình bày chi tiết về nội dung này.
1. Khái niệm về biểu diễn nghệ thuật và người biểu diễn
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật từ những loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương,…cho tới hiện đại như liveshow âm nhạc, các chương trình tạp kỹ,…đều không xa lạ với chúng ta hiện nay. Dưới góc độ luật pháp, theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Nghị định 79/2012/NĐ -CP, biểu diễn nghệ thuật được hiểu như sau:
“Biểu diễn nghệ thuật là trình diễn chương trình, tiết mục, vở diễn trực tiếp trước công chúng của người biểu diễn;” và
“Loại hình nghệ thuật biểu diễn bao gồm: Tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối, bài chòi, kịch nói, kịch dân ca, kịch câm, nhạc kịch, giao hưởng, ca, múa, nhạc, ngâm thơ, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.”
Về người biểu diễn, người biểu diễn là tên gọi chung của những diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật (Theo Khoản 1 Điều 16 Luật Sở hữu trí tuệ). Người biểu diễn là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Để biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật, người biểu diễn có phải xin phép tác giả không?
Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là một trong những quyền tài sản của tác giả, được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ. Theo đó, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là người nắm giữ quyền “biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm”.
Do tác giả là người nắm giữ quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, những cá nhân, tổ chức muốn thực hiện biểu diễn tác phẩm phải xin phép tác giả và trả tiền bản quyền cho tác giả để được sử dụng quyền biểu diễn. Việc biểu diễn tác phẩm mà không xin phép tác giả, không trả tiền bản quyền cho tác giả là hành xâm vi phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ mà người biểu diễn không cần phải xin phép cũng như không phải trả tiền bản quyền cho tác giả. Tại Điểm g Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả quy định “Biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại” đối với tác phẩm đã công bố thì không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xử của tác phẩm. Ví dụ, việc biểu diễn tác phẩm tại buổi sinh hoạt tập thể tại trường học, khu dân cư, công ty không nhằm mục đích thương mại thì được phép biểu diễn mà không cần phải xin phép nhưng phải thông tin rõ ràng về tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm.
Đối với hành vi xâm phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng, Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP đã quy định chế tài xử phạt hành chính như sau:
“Điều 13. Hành vi xâm phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.”
Trên đây là mức phạt hành chính đối với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi cá nhân.
Trên đây là bài viết “Để biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật, người biểu diễn có phải xin phép tác giả không?”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,