Khi xảy ra hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, bên cạnh biện pháp hành chính và biện pháp hình sự, các cá nhân, tổ chức có liên quan có thể áp dụng đồng thời biện pháp dân sự để bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho bản thân. Về nguyên tắc, việc khởi kiện đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan phải tuân theo thủ tục tố tụng dân sự do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định. Cụ thể, trong trường hợp này, chủ thể bị xâm phạm quyền cần đáp ứng những điều kiện cơ bản nào để thực hiện bảo vệ quyền lợi thông qua khởi kiện dân sự? Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về điều kiện khởi kiện dân sự đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
1. Những chủ thể có quyền khởi kiện dân sự
Theo tinh thần của pháp luật SHTT, đặc biệt là các văn bản pháp luật chuyên ngành như tại Mục II.1 Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan, những chủ thể được quyền khởi kiện dân sự khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:
- Tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;
- Chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan;
- Người được thừa kế hợp pháp vủa tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;
- Các cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;
- Các cá nhân, tổ chức được sử dụng tác phẩm theo hợp đồng;
- Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân khác được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền;
- Cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
Như vậy, về cơ bản pháp luật SHTT cũng đã quy định tương đối chi tiết và đầy đủ về những chủ thể có thẩm quyền khởi kiện dân sự khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi của những chủ thể này khi xảy ra hành vi xâm phạm quyền.
2. Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự khi phát hiện hành vi xâm phạm
Các chủ thể khi muốn tiến hành khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan cần đáp ứng hai điều kiện sau được quy định tại Mục III.1 Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP:
- Thứ nhất, quyền tác giả, quyền liên quan đã phát sinh theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ
- Quyền tác giả phát sinh và được bảo hộ tự động kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định (bài hát, chương trình máy tính, công trình kiến trúc…), không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
- Quyền liên quan phát sinh và được bảo hộ tự động kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
Cần lưu ý rằng, việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Khi có tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan mà đương sự khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, thì Toà án phải xem xét mà không phân biệt việc họ đã có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan hay chưa, họ đã nộp đơn hay chưa nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn nhất quyền lợi của mình, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả nên thực hiện đăng ký sớm nhất có thể.
- Thứ hai, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn theo quy định pháp luật
Tùy thuộc vào từng loại hình tác phẩm được bảo hộ mà thời hạn bảo hộ sẽ có khoảng thời gian khác nhau, được quy định tại Điều 27, Điều 34 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành. Ví dụ như khi khởi kiện nhằm bảo hộ tác phẩm điện ảnh, chủ sở hữu quyền tác giả phải kiểm tra xem tác phẩm điện ảnh có đáp ứng điều kiện về thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố đầu tiên hay không. Nếu đã quá 75 năm, Tòa án sẽ không thụ lý đơn khởi kiện.
Khi hết thời hạn bảo hộ theo quy định của pháp luật thì các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan không còn được Nhà nước và pháp luật bảo hộ, trừ trường hợp pháp luật không quy định thời hạn bảo hộ đối với quyền tác giả. Đây là một vấn đề mà các chủ thể quyền khi tiến hành khởi kiện phải hết sức lưu ý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là bài viết “Quyền khởi kiện dân sự khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,