Đứng trước nguy cơ bị xâm phạm quyền tác giả ngày càng nhiều, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan nên làm gì để tự bảo vệ quyền lợi của mình?  

1. Quyền tự bảo vệ của tác giả, người biểu diễn và chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan:

Có thể hiểu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc nhà nước và chủ sở hữu quyền sử dụng các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên thực tế và việc xử lý khi có hành vi xâm phạm diễn ra. Các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền tự bảo vệ và điều này đã được ghi nhận tại Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ. Theo đó, tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để tự bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình (theo Khoản 1 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ) :

a) Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”

Bên cạnh đó, tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp trên để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Các biện pháp nêu trên đã khá đầy đủ để giúp các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan ngăn chặn hành vi xâm phạm cũng như tự bảo vệ khi hành vi xâm phạm xảy ra. Tuy nhiên, để những biện pháp nêu trên đạt hiệu quả cao nhất, các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan cần phải chú ý đến việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, lưu trữ các tài liệu trong khi sáng tác và công tác kiểm tra, rà soát các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm của mình.

2. Những việc mà tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cần lưu ý để tự bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan

Để bảo vệ quyền lợi của mình, các chủ thể của quyền tác giả, quyền liên quan nên có sự chuẩn bị trước, chú trọng bảo vệ quyền tác giả ngay từ những ngày đầu tiên để tránh những trường hợp tranh chấp xảy ra cũng như có những hướng xử lý phù hợp khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra. Chúng tôi xin tổng hợp lại những điều cần lưu ý như sau:

  • Thực hiện đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ngay sau khi hoàn thành tác phẩm.

Ngay sau khi hoàn thành tác phẩm, tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan nên thực hiện đăng ký quyền tác giả để bảo vệ quyền lợi của mình một cách chặt chẽ nhất. Nếu không có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, khi có tranh chấp xảy ra, việc chứng minh quyền sở hữu đối với tác phẩm bảo hộ là rất khó khăn. Mặt khác, theo Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là tài liệu quan trọng nhất để chứng minh quyền của tác giả, người biểu diễn và chủ sở hữu.

  • Sử dụng các biện pháp công nghệ thích hợp để bảo vệ quyền tác giả.

Ngay trên mỗi bản sao tác phẩm, chủ sở hữu có thể đưa thông tin khuyến cáo người khác không được xâm phạm, hoặc sử dụng những biện pháp kỹ thuật để đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ. Ngoài ra, trên môi trường mạng internet, các chủ thể của quyền tác giả, quyền liên quan có thể áp dụng công nghệ kiểm soát quyền truy cập tác phẩm và công nghệ kiểm soát việc sử dụng tác phẩm. Kiểm soát quyền truy cập là kiểm soát cách thức mà người dùng có thể xem, đọc, nghe hoặc tiếp cận khác về nội dung tác phẩm (ví dụ sử dụng mật khẩu, giới hạn thời gian,…). Kiểm soát quyền sử dụng là giới hạn một tác phẩm chỉ có thể được xem, hoặc có thể sao chép, truyền đạt, phát hoặc các hình thức sử dụng khác ở mức độ nhất định khi người dùng truy cập được vào tác phẩm.

  • Lưu trữ bản gốc của tác phẩm, bản định hình đầu tiên của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; các bản sao được công bố hợp pháp của tác phẩm, bản định hình đầu tiên của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Các tài liệu trên là một trong những chứng cứ chứng minh chủ thể quyền khi yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền được quy định tại Điều 24 Nghị định 105/2006/NĐ-CP trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
  • Lưu trữ các tài liệu chứng minh việc tạo ra, công bố, phổ biến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; các tài liệu  bản gốc hoặc bản sao hợp pháp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, hợp đồng sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ hoặc văn bản xác nhận quyền thừa kế, quyền kế thừa đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Những tài liệu này là căn cứ để chứng minh chủ thể quyền và căn cứ xác lập quyền bảo hộ của tác phẩm, theo Điều 6 và Điều 24 Nghị định 105/2006/NĐ-CP trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
  • Thường xuyên liên hệ, hợp tác với các chuyên gia về quyền tác giả, quyền liên quan để kết hợp kiểm tra, rà soát các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm của mình và để được tư vấn, hỗ trợ trong việc thu hồi tiền bản quyền.

Trên đây là bài viết “Tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan nên làm gì để tự bảo vệ quyền lợi của mình?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,