Hiện nay, Podcast đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Với sự tiện lợi, đa dạng chủ đề và khả năng cá nhân hóa cao, podcast đáp ứng nhu cầu giải trí và học tập của nhiều người. Tuy nhiên, việc thiếu nhận thức về pháp luật bản quyền đối với các nội dung, âm thanh trong podcast đang khiến cho nhiều vi phạm bản quyền xảy ra.  Do đó cần hiểu rõ quy định của pháp luật bản quyền về podcast và liệu có cần đăng ký bản quyền cho podcast hay không? Hãy theo dõi bài viết của VCD dưới đây.

1. Podcast là gì?

Podcast là thuật ngữ tiếng anh với sự kết hợp giữa từ “Ipod” (một dòng máy nghe nhạc của Apple) và từ “broadcast” (mang nghĩa truyền tải). Theo đó Podcast chỉ những nội dung âm thanh kỹ thuật số được đăng tải trên Internet mà người dùng có thể nghe trực tiếp bất cứ lúc nào, hay tải về máy cá nhân.

Ngoài ra, Podcast còn có thể hiểu như một chương trình radio với một chủ đề cụ thể được người tạo ra tự sáng tạo nội dung và phát thành nhiều tập, được xuất bản liên tục, định kỳ… Chủ đề của các kênh Podcast rất đa dạng như trao đổi, bình luận về đề tài nào đó, ký sự hoặc đưa tin thời sự, sách nói,…

Podcast là một loại hình tác phẩm phổ biến tới công chúng nên cần đảm bảo rằng nội dung cung cấp trong podcast là hoàn toàn hợp pháp không vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ của người khác. Phần lớn các podcast hiện nay đều có các nội dung trò chuyện, trong đó tác giả podcast trao đổi, thảo luận một vấn đề nào đó. Podcast là những nội dung mang tính sáng tạo nên không có gì đáng ngạc nhiên khi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ sẽ được áp dụng. Không hiếm các vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đã xảy ra liên quan đến podcast: dùng nhạc hay nội dung sáng tạo trong podcast mà không có sự cho phép của tác giả hoặc không trích nguồn tác phẩm…

Nội dung trong podcast là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hay khoa học và mang tính sáng tạo không sao chép nội dung đã được phổ biến thì nội dung podcast cũng sẽ được pháp luật bản quyền bảo hộ. Tất nhiên nếu nội dung podcast do nhiều người cùng sáng tạo ra thì sẽ có các đồng giả. Ngoài ra, podcast là một tác phẩm ghi âm nên người thực hiện podcast cũng có quyền liên quan dành cho nhà satn xuất ghi âm theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Trong nhiều trường hợp người diễn đạt nội dung podcast còn có thể được công nhận quyền của người biểu diễn vốn được dành cho nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn.

2. Quy định của Pháp luật bản quyền về Podcast

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về đăng ký bản quyền cho podcast như sau:

Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ

1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

Theo đó, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả như sau:

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

4. Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này.

Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP cũng quy định về loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả như sau:

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

2. Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 9 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về quyền tác giả đối với podcast như sau:

Quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác

Trong trường hợp tác giả tự thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, podcast là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Người trực tiếp sáng tạo ra bản podcast sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả đối với podcast và được nhận các quyền theo quy định.

Như vậy, bản quyền podcast sẽ được tự động phát sinh kể từ khi bản podcast được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một dạng nhất định như bản ghi âm, bản ghi hình,… mà không cần đăng ký bản quyền cho podcast. Tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật luôn khuyến khích tác giả hoặc chủ sở hữu podcast thực hiện đăng ký bản quyền cho podcast để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả nhằm bảo hộ quyền lợi của tác giả tốt nhất.

Đối với thời gian bảo hộ quyền tác giả đối với podcast được quy định tại Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ. Theo đó bản podcast đã được công bố mà không biết ai là tác giả thì sẽ có thời hạn bảo hộ quyền tác giả là 75 năm kể từ khi bản podcast được công bố lần đầu.

Khi có bản podcast đã có thông tin về tác giả thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả sẽ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết, trường hợp có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Lưu ý rằng thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo quy định trên sẽ chấm dứt vào 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Qua phân tích trên, VCD thấy rằng bản quyền podcast đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo và phát triển cộng đồng podcast chuyên nghiệp. Việc tôn trọng bản quyền không chỉ khuyến khích sự sáng tạo mà còn góp phần xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi mà các podcaster có thể yên tâm đầu tư thời gian và công sức vào việc sản xuất nội dung chất lượng.