Việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm truyện tranh không chỉ là một bước quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của tác giả mà còn giúp xác lập quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm. Để quá trình đăng ký diễn ra thuận lợi, các tác giả và chủ sở hữu cần chuẩn bị một số giấy tờ và tài liệu cần thiết. Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn.
1. Bản quyền truyện tranh là gì?
Truyện tranh là một loại truyện quen thuộc đối với mọi lứa tuổi trong cuộc sống là dạng câu chuyện được kể dưới dạng hình ảnh hay chuỗi hình ảnh liên tục kết hợp với loại hình văn bản hay các hình ảnh truyền tải thông tin khác đến người đọc.
Truyện tranh là một hình thức truyền tải thông điệp của người sáng tác đến người đọc một cách sinh động nhất được kết hợp bằng nhiều hình ảnh khác nhau nối tiếp nhau nhằm biểu thị đoạn hội thoại tường thuật, hiệu ứng âm thanh hoặc thông tin khác.
Truyện tranh là một loại hình tác phẩm được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền tác giả. Hiện nay, các tác phẩm truyện tranh được phân loại vào nhóm tác phẩm viết. Đặc biệt, đối với những tác phẩm truyện tranh có ít lời thoại hoặc không có lời thoại, tác giả có thể sử dụng một phần tác phẩm để in ấn và trang trí lên các đồ dùng cá nhân như áo phông, cốc, bưu thiếp,… Trong trường hợp này, các tác phẩm này có thể được đăng ký bảo hộ dưới dạng mỹ thuật ứng dụng.
Bản quyền hay còn gọi là quyền tac giả là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng để mô tả quyền mà tác giả có đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật của họ.
Bản quyền truyện tranh là sự khẳng định quyền tác giả đối với tác phẩm truyện tranh do mình sáng tạo ra hoặc là chủ sở hữu tác phẩm đó.
2. Điều kiện bảo hộ bản quyền truyện tranh
Tổ chức và cá nhân có tác phẩm truyện tranh được bảo hộ quyền tác giả bao gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có thể là tổ chức, cá nhân Việt Nam; hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tại Việt Nam mà chưa từng công bố ở nước nào khác, hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong vòng 30 ngày sau khi công bố lần đầu ở nước khác. Ngoài ra, tổ chức và cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên cũng được bảo hộ.
Tác phẩm truyện tranh thuộc các loại hình được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc. Để được bảo hộ, tác phẩm truyện tranh phải do tác giả trực tiếp sáng tạo từ lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm khác. Các tác phẩm không nằm trong phạm vi bảo hộ quyền tác giả sẽ không được bảo vệ.
3. Hồ sơ đăng ký bản quyền truyện tranh
Để đăng ký quyền tác giả, cần chuẩn bị các tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả:Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt, phải do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, hoặc người được ủy quyền ký tên. Đồng thời nội dung tờ khai cần ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tóm tắt nội dung tác phẩm; tên tác phẩm gốc nếu là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm và hình thức công bố; cam kết về trách nhiệm đối với các thông tin trong đơn.
- Hai bản sao tác phẩm: Cung cấp hai bản sao của tác phẩm đăng ký quyền tác giả.
- Giấy ủy quyền: Nếu người nộp đơn không phải là tác giả mà là người được ủy quyền, cần có giấy ủy quyền.
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn: Nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền từ người khác (do thừa kế, chuyển nhượng, kế thừa), cần có tài liệu chứng minh quyền này.
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả: Nếu tác phẩm có nhiều đồng tác giả, cần có văn bản đồng ý của tất cả các đồng tác giả.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu: Nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung, cần có văn bản đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.
- Lợi ích của việc đăng ký bản quyền truyện tranh
Việc đăng ký quyền tác giả mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, bao gồm:
Chứng minh quyền hợp pháp: Đăng ký giúp tác giả và chủ sở hữu chứng minh quyền hợp pháp của mình trong trường hợp xảy ra tranh chấp với bên khác. Điều này tạo cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Khai thác quyền: Việc đăng ký còn giúp tác giả và chủ sở hữu dễ dàng khai thác các quyền nhân thân và tài sản mà pháp luật ghi nhận. Điều này bao gồm quyền sử dụng, chuyển nhượng và cấp phép cho tác phẩm của mình.
Bảo hộ quốc tế: Đăng ký bảo hộ bản quyền truyện tranh tại Việt Nam cũng giúp tác giả và chủ sở hữu được bảo vệ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này có nghĩa là quyền tác giả của họ không chỉ được bảo vệ trong lãnh thổ Việt Nam mà còn tại các quốc gia khác.
Trên đây là bài viết “Đăng ký Bản quyền Truyện tranh cần những giấy tờ gì?”mà VCD gửi đến bạn. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,