Xung đột bản quyền giữa các nhà sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI) hiện vẫn là vấn đề nóng trong ngành công nghiệp âm nhạc. Hiện nay, việc sử dụng dịch vụ AI tạo sinh đang lan rộng và được ứng dụng vào lĩnh vực sáng tạo nội dung ngày càng cao. Điều này khiến nhiều người e ngại về việc xung đột bản quyền dựa trên tiền đề sáng tạo âm nhạc của con người. Bài viết của VCD dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1. Bản quyền âm nhạc giữa nhà sáng tạo và trí tuệ nhân tạo AI

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm âm nhạc được hiểu là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Do đó, bản quyền âm nhạc được hiểu là quyền của tác giả đối với tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn kể từ thời điểm mà tác giả tạo ra tác phẩm.

Nhà sáng tạo âm nhạc(con người) là một cá nhân hoặc nhóm người tham gia vào quá trình sáng tác, sản xuất, và biểu diễn các tác phẩm âm nhạc. Nhà sáng tạo theo truyền thống thì quyền sở hữu bản quyền âm nhạc thuộc về con người là những nhạc sĩ, nhà sản xuất hoặc tổ chức đã sáng tạo ra tác phẩm âm nhạc.

AI là sự mô phỏng các quá trình thông minh của con người bằng máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính. Các ứng dụng cụ thể của AI bao gồm hệ thống chuyên gia, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói và thị giác máy. Nói một cách đơn giản, AI là một sản phẩm do con người tạo ra, nhằm mục đích hỗ trợ và giải đáp những thắc mắc của con người.

Tranh chấp bản quyền âm nhạc giữa nhà sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI) là sự xung đột pháp lý và đạo đức liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng, và quyền lợi tài chính đối với các tác phẩm âm nhạc được tạo ra bởi công nghệ AI. Các tranh chấp này phát sinh từ việc xác định ai là chủ sở hữu bản quyền hợp pháp của những tác phẩm này và ai được hưởng các quyền lợi liên quan khi AI tham gia vào quá trình sáng tạo âm nhạc.

Bản quyển âm nhạc giữa nhà sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI)

2. Tranh chấp bản quyền giữa nhà sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay

Mới nhất vào ngày 24/6/2024, Sony Music Entertainment, Warner Records, Capitol Records và những hãng thu âm khác đã đệ đơn kiện vi phạm bản quyền lên tòa án liên bang ở Boston và New York, cho rằng “Suno và Udio đã sao chép tác phẩm để đời của các nghệ sĩ và khai thác nó để kiếm lợi nhuận mà không có sự đồng ý hoặc trả tác quyền” cáo buộc rằng các startup AI âm nhạc này đang khai thác trái phép các tác phẩm đã ghi âm của nhiều nghệ sĩ, từ Chuck Berry đến Mariah Carey.

Vụ kiện cáo buộc phần mềm “ăn cắp” bài hát để tạo ra các giai điệu tương tự, yêu cầu bồi thường 150.000 đô la cho mỗi tác phẩm. Nếu bị kết tội, số tiền bồi thường mà Suno và Udio phải gánh chịu có thể lên tới con số khổng lồ. Động thái cứng rắn này cho thấy rõ quyết tâm của ngành công nghiệp âm nhạc trong việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho AI, đồng thời răn đe những công ty khác có ý định huấn luyện mô hình AI mà chưa được sự đồng ý.

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) là đơn vị khởi xướng các vụ kiện này, với mục tiêu khẳng định “không có ngoại lệ nào cho công nghệ AI trước luật bản quyền và các công ty AI không thể đứng ngoài vòng pháp luật”.

Suno ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2023 và cho biết đã có hơn 10 triệu người sử dụng công cụ của họ để sáng tạo nhạc. Công ty này có quan hệ đối tác với Microsoft, hiện thu phí hằng tháng cho dịch vụ của mình và gần đây đã công bố họ huy động được 125 triệu USD từ các nhà đầu tư. Trong khi đó, Udio có trụ sở tại New York, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng như Andreessen Horowitz, ra mắt công chúng vào tháng 4.2024 và nhanh chóng nổi tiếng vì là công cụ được sử dụng để tạo ra BBL Drizzy – một bài hát “chế” liên quan đến mâu thuẫn giữa hai rapper nổi tiếng Kendrick Lamar và Drake.

RIAA khẳng định, các bản nhạc do phần mềm của hai công ty này tạo ra giống với tác phẩm gốc đến mức khó tin, chứng tỏ chúng đã được huấn luyện bằng chính những bản nhạc có bản quyền. Theo The Wall Street Journal, các công ty AI đã tạo ra sản phẩm giống hệt My Girl của The Temptations, American Idiot của Green Day, All I Want for Christmas Is You của Mariah Carey… cùng nhiều ca khúc nổi tiếng khác. Thậm chí, phần mềm có thể tạo ra giọng hát “giả mạo” không thể phân biệt với giọng thật của các nghệ sĩ như Lin-Manuel Miranda, Bruce Springsteen, Michael Jackson và ABBA…

Dù không phản đối việc AI học hỏi từ các tác phẩm có bản quyền, nhưng RIAA cho rằng, việc sử dụng dữ liệu không có giấy phép và sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền là hành vi vi phạm pháp luật, bởi các hãng thu âm (và chính các nghệ sĩ) không hề nhận được bất kỳ khoản lợi nhuận nào. AI không thể biện minh cho việc không tuân thủ “luật chơi”, và hành vi đánh cắp quy mô lớn các bản ghi âm đã và đang đe dọa “toàn bộ hệ sinh thái âm nhạc”.

Trên thực tế, ngành công nghiệp ghi âm đang nỗ lực xây dựng thỏa thuận hợp tác với các công ty AI, cho phép họ sử dụng dữ liệu âm nhạc một cách hợp pháp và đảm bảo lợi ích cho cả hai bên. Điển hình như thỏa thuận giữa Universal và SoundLabs, cho phép SoundLabs tạo ra mô hình giọng hát nhưng vẫn đảm bảo quyền sở hữu và kiểm soát sản phẩm cuối cùng. Universal cũng hợp tác với YouTube trong thỏa thuận cấp phép và trả phí bản quyền cho nội dung do AI tạo ra.

Qua đây, VCD thấy rằng sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật đặt ra nhiều thách thức mới về bản quyền. Hiện tại, các luật bản quyền hiện hành chưa đủ linh hoạt và không thể áp dụng một cách trực tiếp cho các tác phẩm âm nhạc được tạo ra hoặc phát triển bởi AI. Để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc, cũng như khuyến khích sự sáng tạo và phát triển của AI trong lĩnh vực này, các tổ chức và nhà lập pháp đang phải xem xét và đưa ra các quy định mới.