Để tạo nên một chương trình hoàn chỉnh, đầy đủ nội dung, hoạt động theo từng kế hoạch cụ thể và phù hợp với thị hiếu khán giản thì chương trình phải có một kịch bản hay và hoàn chỉnh. Do đó, để đảm bảo công sức, tiền bạc đã bỏ ra xây dựng kịch bản không bị sao chép thì việc bảo hộ bản quyền kịch bản chương trình là vô cùng cần thiết. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của VCD đề tìm hiểu về bảo hộ bản quyền kịch bản chương trình.

1. Kịch bản chương trình là gì?

Kịch bản chương trình có thể hiểu là một bản mô tả chi tiết về nội dung và quy trình của một chương trình truyền hình, phát thanh hoặc sự kiện trực tiếp. Nó định nghĩa các phần chính của chương trình, bao gồm lời mở đầu, mục tiêu, nội dung, kịch bản trò chuyện giữa người dẫn chương trình và khách mời, và các phần khác nhau để xây dựng sự kết hợp hài hòa và mạch lạc của chương trình.

Kịch bản chương trình cung cấp một hướng dẫn cho người dẫn chương trình và các thành viên trong đoàn làm phim/truyền hình về cách diễn đạt, tương tác và thực hiện chương trình một cách chuyên nghiệp, đảm bảo rằng chương trình diễn ra suôn sẻ và theo kế hoạch.

Đồng thời, giúp đảm bảo rằng mọi người tham gia chương trình có một hướng dẫn rõ ràng về cách diễn đạt, nội dung và luồng làm việc. Đây cũng là một công cụ hữu ích để sắp xếp và kiểm soát thời gian chương trình một cách hiệu quả.

2. Bảo hộ bản quyền kịch bản chương trình

Bảo hộ bản quyền kịch bản chương trình là cách thức, biện pháp được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng nhằm tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu bản quyền kịch bản chương trình cũng như là các chủ thể có liên quan, chống lại bất kỳ một sự xâm phạm nào.

Tại Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả như sau:

“1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;”

Như vậy, theo quy định trên thì kịch bản trương trình thuộc dạng tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác. Do đó, chủ thể có quyền được bảo hộ là tổ chức, cá nhân gồm người trực tiếp sáng tạo ra kịch bản chương trình và chủ sở hữu quyền kịch bản chương trình quy định theo pháp luật.

Về đối tượng bảo hộ, kịch bản chương trình phải đáp ứng một số điều kiện như:

  • Tác phẩm được tác giả trực tiếp sáng tạo mà không phải là do sao chép, ăn cắp, sửa đổi, lấy ý tưởng… từ tác phẩm của người khác;
  • Kịch bản chương trình được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày kịch bản chương trình đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác.

Giống như quy định tại các điều ước quốc tế song và đa phương, Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định bản quyền kịch bản chương trình được mặc nhiên công nhận và bảo hộ sau khi kịch bản được hình thành trên một loại hình vật chất nhất định. Việc đăng ký quyền kịch bản chương trình theo quy định tại điều 49 Luật sở hữu trí tuệ không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền bảo hộ.

Tuy nhiên, việc có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với bản quyền kịch bản chương trình có ý nghĩa khi xảy ra tranh chấp vì tổ chức, cá nhân có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với bản quyền kịch bản chương trình sẽ không có nghĩa vụ chứng minh bản quyền thuộc về mình, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Vậy, để đủ điều kiện được pháp luật bảo hộ, kịch bản chương trình cần đáp ứng các điều kiện về đối tượng như trên và phải được định hình trên vật chất nhất định, khi đó kịch bản chương trình mới được bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.