Đi đôi với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay là sự giao thoa các nền văn hóa giữa các quốc gia, và vì thế, con người có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về tiếng nói, chữ viết, con người, các tác phẩm… của các nước khác ngày càng nhiều. Để việc nghiên cứu được dễ dàng hơn, các tác phẩm biên dịch dần dần được ra đời. Vậy, những tác phẩm biên dịch như vậy có được bảo hộ quyền tác giả không, hãy cùng VCD tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

1. Hiểu như thế nào là tác phẩm biên dịch?

Biên dịch là quá trình dịch văn bản viết bằng một ngôn ngữ nguồn sang một ngôn ngữ khác mà không làm mất đi ý nghĩa gốc ban đầu. Người biên dịch sẽ chuyển tải trung thực nội dung của một tác phẩm gốc từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác trong tác phẩm dịch. Việc biên dịch không phải là một công việc chuyển ngữ máy móc mà còn đòi hỏi người thực hiện phải biết cách vận dụng ngôn ngữ linh hoạt, am hiểu văn hoá của quốc gia sử dụng loại ngôn ngữ đó và có kỹ năng viết tốt để chuyển ngữ mượt mà, thu hút. Quá trình biên dịch mặc dù phải đảm bảo trung thực nhưng không hạn chế thể hiện tính sáng tạo của người biên dịch trong quá trình tư duy, vận dụng ngôn ngữ và đảm bảo trong khuôn khổ nội dung tác phẩm.

Tác phẩm biên dịch là tác phẩm được dịch từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học từ các nền văn hóa khác nhau và được hình thành từ quá trình làm việc, tư duy, sáng tạo của người biên dịch.

2. Tác phẩm biên dịch có phải là tác phẩm phái sinh?

Tác phẩm biên dịch được coi là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Theo Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh“là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác”.

Một tác phẩm biên dịch là tác phẩm “phái sinh” từ tác phẩm gốc nếu thỏa mãn các dấu hiệu sau:

  • Được hình thành dựa trên sự kế thừa từ một tác phẩm đã có;
  • Tác phẩm phái sinh không phải bản sao của tác phẩm gốc

Pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ nội dung ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng, vậy nên, trong nhiều trường hợp, hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc;

  • Có sự sáng tạo

Sự sáng tạo của tác phẩm biên dịch thể hiện ở việc lựa chọn, sắp xếp, sử dụng ngôn ngữ để thể hiện được nội dung cũng như tư tưởng, tình cảm của tác giả trong tác phẩm gốc; tác phẩm do dịch giả trực tiếp sáng tạo bằng sự lao động trí tuệ của mình mà không sao chép của người khác;

  • Dấu ấn của tác phẩm gốc trong tác phẩm phái sinh:

Cho dù tác phẩm phái sinh được sáng tạo nguyên gốc nhưng vẫn phải đảm bảo có dấu ấn của tác phẩm gốc. Có nghĩa là khi nhận biết tác phẩm phái sinh thì công chúng phải liên tưởng đến tác phẩm gốc, sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung, cốt truyện, tuyến nhân vật… của tác phẩm gốc.

Tác giả tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ những nội dung có tính nguyên gốc do họ sáng tạo và tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để phái sinh. Việc tạo ra, khái thác, sử dụng tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm gốc.

Vậy, với câu hỏi tác phẩm biên dịch có phải tác phẩm phái sinh không, thì câu trả lời ở đây là có thể, với điều kiện đáp ứng các dấu hiệu của tác phẩm phái sinh như đã trình bày ở bên trên.

3. Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm biên dịch

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tác phẩm biên dịch được bảo hộ với điều kiện như sau:  

  • Tác phẩm biên dịch phải do dịch giả (được coi là tác giả của tác phẩm phái sinh) trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
  • Chỉ chủ sở hữu quyền tác giả mới có quyền làm tác phẩm phái sinh, trong đó bao gồm tác phẩm dịch. Quyền làm tác phẩm phái sinh là một trong những quyền tài sản thuộc quyền tác giả, được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ). Theo đó, các tổ chức, cá nhân muốn làm tác phẩm biên dịch phải được sự đồng ý của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm ban đầu được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Quyền đặt tên cho tác phẩm không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác (theo Khoản 1 Điều 20 Nghị định 22/2018/NĐ-CP). Do vậy, dịch giả không được phép tự đặt tên cho tác phẩm biên dịch mà phải sử dụng tên của tác phẩm gốc dịch sang ngôn ngữ của tác phẩm dịch và lấy đó làm tên của tác phẩm dịch.
  • Tác phẩm phái sinh không được gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Tại Khoản 2 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2009 quy định Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.   

4. Dịch vụ hỗ trợ bản quyền của VCD

Với đội ngũ chuyên gia pháp lý nhiều kinh nghiệm, VCD tự tin trong việc hỗ trợ Khách hàng các vấn đề trong lĩnh vực bản quyền. Với phương châm luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng, VCD cố gắng và đảm bảo hỗ trợ Khách hàng và triển khai công việc một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất, thường xuyên báo cáo tiến trình vụ việc cũng như đưa ra kế hoạch hành động tiếp theo để Khách hàng có thể dễ dàng theo dõi và đánh giá kết quả công việc. Khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng và an tâm khi sử dụng dịch vụ của VCD.

Trên đây là bài viết “Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm biên dịch”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,