Số 57 Hàng Chuối, P. Phạm Đình HổQ. Hai Bà Trưng, Hà Nội.

ChatGPT và vấn đề về quyền tác giả

Kể từ khi ra mắt đến nay, một siêu trí tuệ có sức mạnh khủng khiếp, có thể đe dọa đến sự xóa sổ của hàng chục nghề nghiệp trong tương lai là ChatGPT vẫn đang không ngừng làm mưa làm gió. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện năng của mình, ChatGPT vẫn đặt ra nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ tập trung chỉ ra những vấn đề về quyền tác giả của ChatGPT.

1. Chat GPT là gì?

Chat GPT là viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer đây là ứng dụng được Công ty OpenAI cho ra mắt vào tháng 11 năm 2022. ChatGPT là một mô hình sử dụng công nghệ AI để xử lý ngôn ngữ, có khả năng tạo văn bản giống với con người chỉ với những từ khóa cơ bản. Hiểu một cách đơn giản, công cụ này xử lý ngôn ngữ tự nhiên và có thể được dùng như một trợ lý trò chuyện như con người. Một điểm đáng chú ý chính là việc tương tác dưới dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi rất đáng kinh ngạc.

    Công cụ này thậm chí còn có thể tạo ra những hình ảnh và video mới dựa trên những gì nó đã học được từ cơ sở dữ liệu khổng lồ là các cuốn sách điện tử (e-books), các bài viết trực tuyến và các phương tiện khác. Với tiềm năng ứng dụng to lớn đó, ChatGPT được đánh giá là một trong những đối thủ đáng gờm của Google. Thậm chí, nhiều người tin rằng, ChatGPT sẽ khiến cho nhiều nghề nghiệp “ra chuồng gà” vì độ thông minh và tốc độ xử lý nhanh chóng của nó.

    Và một trong những ảnh hưởng mà ChatGPT gây ra chính là đối với ngành xuất bản sách. Theo một báo cáo mới đây, tính đến giữa tháng 2/2023 đã có hơn 200 sách điện tử trong cửa hàng Kindle đề tên ChatGPT là tác giả hoặc đồng tác giả. Trên thư viện sách Amazon còn có thêm một số mục về sách được hỗ trợ bởi ChatGPT hoặc sách được viết hoàn toàn bởi siêu AI. Với những gì đang diễn ra, AI đang bị lo ngại sẽ tác động lớn đến ngành xuất bản.

    2. Vấn đề pháp lý đặt ra

    2.1. Nội dung do ChatGPT tạo ra có được bảo hộ bản quyền?

    Mặc dù đem đến nhiều tiện ích cho người dùng, nhưng ChatGPT vẫn gây ra nhiều e ngại liên quan đến vấn đề đạo đức như khả năng truyền bá tin giả, tiếp tay cho kẻ xấu lừa đảo… Và một trong những khía cạnh được nhiều người quan tâm hơn cả là khía cạnh bản quyền của những tác phẩm do công cụ này tạo ra.

    Thứ nhất, về vấn đề quyền tác giả đối với các tác phẩm tạo ra bởi ChatGPT, theo Luật bản quyền của hầu hết các quốc gia trên thế giới, chỉ có những tác phẩm được tạo ra bởi con người mới được bảo hộ bản quyền. Ví dụ như Luật Quyền tác giả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định để một tác phẩm được bảo vệ bản quyền, tác phẩm đó phải được sáng tạo bởi con người, không có đầu vào là sự sáng tạo của con người, một tác phẩm sẽ không được bảo vệ quyền tác giả. Và Việt Nam không ngoại lệ khi Luật Sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 12a Văn bản Hợp nhất 11/VBHN – VPQH 2022, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm”.

    Điều này được quy định hợp lý vì để đăng ký quyền tác giả đối với một tác phẩm sẽ phải trải qua nhiều công đoạn từ làm hồ sơ, nộp hồ sơ đến theo dõi phản hồi của Văn phòng Bản quyền hay ở Việt Nam là Cục Bản quyền tác giả, do vậy, việc ChatGPT đăng ký bản quyền có thể sẽ gặp những trở ngại lớn.

    2.2. Trường hợp các tác phẩm do ChatGPT tạo ra được bảo hộ quyền tác giả thì ai là chủ sở hữu?

    Chỉ trong vòng 30s, ChatGPT hoàn toàn có thể tạo ra một bài thơ ngắn hay một đoạn văn. Vậy bài thơ hay các tác phẩm do ChatGPT tạo ra thì ai sẽ là chủ sở hữu? Hiện nay có ba quan điểm khác biệt như sau:

    • Quan điểm thứ nhất cho rằng ChatGPT được xem là chủ sở hữu vì các lý do sau:

    Một trong những điểm khiến ChatGPT được đánh giá cao hơn các công cụ khác như Google Search là ChatGPT tự tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, rồi tạo ra một câu trả lời theo cách hiểu và phương trình của nó, chứ không phải dựa vào trí tuệ, kiến thức của người dùng.

    Hơn nữa, theo khoản 1 Điều 13 Văn bản Hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm…” Vì vậy, ChatGPT mới được coi là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm mình tạo ra.

    • Quan điểm thứ hai cho rằng ChatGPT không phải là chủ sở hữu vì các lý do sau:

    Đầu tiên, Chat GPT đưa ra câu trả lời sau khi người dùng đặt câu hỏi – không thể chủ động tạo ra tác phẩm được.

    Tiếp đó, giữa người dùng và nền tảng này có xác lập một giao dịch dân sự (dù người dùng bỏ tiền ra hay sử dụng miễn phí) mà theo đó, người dùng được trao quyền sở hữu nguồn tài nguyên có sẵn trên hệ thống dữ liệu của ChatGPT. Người dùng ở đây có quyền yêu cầu ChatGPT xuất bản một tác phẩm hay trả lời bất cứ câu hỏi nào của người dùng. Theo khoản 2 Điều 39 Văn bản Hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này”. Do vậy, người sử dụng ChatGPT để tạo ra tác phẩm có thể được công nhận chủ sở hữu quyền tác giả.

    • Quan điểm thứ ba cho rằng cả ChatGPT và người dùng đều được xác định là đồng chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do ChatGPT tạo ra.

    Nếu xem ChatGPT là tác giả tạo ra tác phẩm thì thông qua việc được cấp quyền để dùng các chức năng có sẵn của ChatGPT thì người dùng là bên đã thuê ChatGPT tạo ra tác phẩm. Ở đây, ChatGPT sẽ có quyền nhân thân, bao gồm quyền đặt tên tác phẩm, đứng tên tác giả khi tác phẩm được công bố và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm do chính ChatGPT tạo ra; còn người dùng có quyền tài sản như quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, cho thuê tác phẩm.

    Tuy nhiên, trước khi xác định ai là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm mà ChatGPT tạo ra thì cần phải cân nhắc đến một yếu tố nữa là “Điều khoản sử dụng dịch vụ” của ChatGPT. Nếu như Điều khoản sử dụng dịch vụ này có quy định rằng Chat GPT hoặc đơn vị tạo ra nền tảng này mới chính là tác giả và chủ sở hữu toàn vẹn quyền tác giả của tác phẩm do Chat GPT tạo ra, thì khi đó người dùng nền tảng này sẽ không có đầy đủ các quyền của một chủ tác quyền như không có quyền sửa chữa, cắt xén tác phẩm, biểu diễn, phân phối tác phẩm đó.

    3. Kết luận

    Theo như quan điểm truyền thống, một tác phẩm được tạo ra là thường tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và là thành quả của tác giả hoặc cá nhân, tổ chức. Vì vậy, pháp luật bảo hộ quyền và lợi ích của họ bằng các trao cho các chủ thể này quyền tác giả để ghi nhận trí tuệ, sức lao động của chính tác giả, đặc biệt các tác phẩm thơ ca, văn chương hay tác phẩm biểu diễn.

    Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển kéo, công nghệ hiện đại ngày càng đổi mới và sự ra đời của các siêu trí tuệ nhân tạo là một thách thức đối với quy định pháp luật nói chung và quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng. Bởi vì khác với con người là sử dụng đầu óc và định hình tác phẩm dưới một hình thức vật chất nhất định để tạo ra tác phẩm thì ChatGPT lại tập hợp kiến thức, dữ liệu và được lập trình sẵn trong một nền tảng công nghệ nên việc tạo ra một tác phẩm hay ho chỉ tốn 3 giây hoặc ngắn hơn.

    Do vậy, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sao cho phù hợp là một điều cần thiết và thiết thực đối với thực tiễn ngày nay.

    Trên đây là bài viết “ChatGPT và vấn đề về quyền tác giả”. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn.