”Hiện nay, tài sản trí tuệ do con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong đời sống xã hội ngày càng tăng cao kèm theo đó là việc mọi người sử dụng sản phẩm trí tuệ đó mà không có sự cho phép của tác giả dẫn đến tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả. Chính vì vậy để bảo vệ quyền tác giả chúng ta cần phải xác định rõ những đối tượng nào là chủ sở hữu quyền tác giả. Vậy mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của VCD về vấn đề này.“Hiện nay, tài sản trí tuệ do con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong đời sống xã hội ngày càng tăng cao kèm theo đó là việc mọi người sử dụng sản phẩm trí tuệ đó mà không có sự cho phép của tác giả dẫn đến tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả. Chính vì vậy để bảo vệ quyền tác giả chúng ta cần phải xác định rõ những đối tượng nào là chủ sở hữu quyền tác giả. Vậy mời các bạn theo dõi bài viết “ Chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm những đối tượng nào?“ của VCD:

1. Chủ sở hữu quyền tác giả là gì?

Chủ sở hữu là chủ thể có các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với một tài sản, một khối tài sản được pháp luật thừa nhận.

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản, quyền công bố tác phẩm. Chủ sở hữu quyền tác giả nguyên thủy là tác giả, người chiếm hữu quyền tác giả theo luật dựa trên cơ sở sáng tạo ra tác phẩm, tuy nhiên chủ sở hữu quyền tác giả có thể đồng thời là tác giả hoặc không đồng thời là tác giả. Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả là chủ thể quyền tác giả hoặc tổ chức, cá nhân được chủ thể này chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản, quyền công bố tác phẩm.

Tại Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ quy định như sau:

Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật này.Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo quy định này cho thấy tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả. Ngoài ra nhằm khuyến khích tư duy, sáng tạo của con người ngày càng phát triển tạo ra nhiều hơn các loại hình tác phẩm đồng thời đảm bảo quyền tự do sáng tạo Luật bản quyền các nước đều dành cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả các quyền mà khi khai thác sẽ mang lại lợi ích kinh tế bù đắp chi phí đầu tư sáng tạo.

2.  Chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm những đối tượng nào?

        Theo quy định từ Điều 36 đến Điều 42 tại Chương III về Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan Luật sở hữu trí tuệ quy định các đối tượng chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm:

2.1. Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả

   Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Theo quy định tại Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ chủ thể là cá nhân, tổ chức sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm. Đây là trường hợp chủ thể vừa là tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, vừa là chủ thể có sự đóng góp về tài chính, cơ sở vật chất khác trong suốt quá trình trước, trong và sau khi hoàn thành tác phẩm, do đó chủ thể vừa là tác giả, vừa là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm. Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

2.2.  Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả

           Đồng tác giả là những người cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Đồng tác giả có thể là đồng tác giả không thể phân chia và đồng tác giả có thể phân chia. Đồng tác giả không thể phân chia khi không xác định được mỗi đồng tác giả sáng tạo ra phần nào của tác phẩm. Đồng tác giả có thể phân chia khi mỗi đồng tác giả sáng tạo ra một phần tác phẩm và phần đó có thể sử dụng độc lập hoặc mỗi tác giả sáng tạo ra một bộ phận xuyên suốt tác phẩm.

               Như vậy đối chiếu với quy định tại Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ cho thấy các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả sáng tạo ra tác phẩm, công trình. Trong trường hợp này, nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền đối với phần riêng biệt đó.

Chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm những đối tượng nào?

2.3.  Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc kết hợp với tác giả

     Tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm có thể do nhiệm vụ hoặc theo sự giao kết hợp đồng với các chủ thể khác. Theo quy định tại Điều 39 Luật sở hữu trí tuệ thì tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm theo quy định của Luật này.

    Căn cứ phát sinh quyền này không phải là dựa trên cơ sở chiếm hữu nguyên thủy quyền tác giả mà dựa trên cở sở luật định. Trên cơ sở sự đầu tư về tài chính, các điều kiện cơ sở vật chất khác cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, các chủ thể này là người “đặt hàng” để tác giả sáng tạo ra tác phẩm.

   Đối với tổ chức giao nhiệm vụ cho một người hoặc một nhóm người thực hiện thì tổ chức đó là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản và quyền công bố, cho người khác công bố tác phẩm. Các quyền liên quan đến nhân thân của tác giả vẫn thuộc về tác giả và được tôn trọng trong suốt quá trình khai thác, sử dụng tác phẩm. Đối với cá nhân thỏa thuận cho người khác tạo ra tác phẩm để đáp ứng nhu cầu vật chất hay tinh thần của mình. Trong cả hai trường hợp tổ chức giao nhiệm vụ hoặc cá nhân xác lập hợp đồng để tạo ra tài sản trí tuệ thì trong hợp đồng hai bên cần thỏa thuận rõ phạm vi quyền của bên giao nhiệm vụ đối với tác phẩm. Lao động sáng tạo trực tiếp của tác giả kết tinh trên tác phẩm đã được các cá nhân, tổ chức này bù đắp vật chất trước, trong và kể cả sau khi kết thúc quá trình sáng tạo. Vì vậy cũng là hợp lý nếu để các đối tượng chủ thể này nắm các quyền khai thác sử dụng về mặt kinh tế đối với tác phẩm sau khi hoàn thành nhằm thu hồi lại vốn đầu tư trước đó.

2.4. Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, thừa kế được hiểu là việc chuyển dịch tài sản của người đã mất (chết) cho người còn sống, những tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được có thể được chia theo di chúc hoặc nếu người chết không để lại di chúc thì sẽ tiến hành chia thừa kế theo pháp luật. Người để lại di sản là cá nhân có quyền lập ra di chúc để định đoạt những tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Do đó có 2 loại người thừa kế là người thừa kế theo pháp luật và người thừa kế theo di chúc.

Như vậy căn cứ theo Điều 40 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành cho thấy tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu có các quyền tài sản, quyền công bố hoặc cho phép công bố tác phẩm.

2.5. Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền

Chủ sở hữu quyền tác giả là người được hưởng quyền có một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và nhân thân trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng ( Điều 41 Luật Sở hữu trí tuệ ).

Căn cứ phát sinh quyền này là dựa trên cơ sở pháp luật về chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả. Quyền tác giả có thể được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thông qua hình thức chuyển nhượng và chuyển quyền sử dụng. Chuyển nhượng quyền tác giả được hiểu là việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu các quyền của mình theo quy định của pháp luật. Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả được hiểu là việc chủ sở hữu quyền tác giả cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho người khác công bố tác phẩm theo thỏa thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu quyền tác giả.

2.6. Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước

Căn cứ phát sinh quyền sở hữu quyền tác giả của nhà nước dựa trên cở sở pháp luật tại Điều 42 và Khoản 1 Điều 1 nghị định 85/2011/NĐ-CP:

       Thứ nhất, tác phẩm khuyết danh trừ trường hợp quy định tại Điều 41 của Luật Sở hữu trí tuệ. Tác phẩm khuyết danh do các tổ chức, cá nhân đang quản lý thì tổ chức, cá nhân đó được phép chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh cho tổ chức, cá nhân khác và được hưởng thù lao từ việc chuyển nhượng quyền đó và tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền được hưởng quyền của chủ sở hữu đến khi danh tính của tác giả được xác định.

Thứ hai, tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không còn người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản.

Cuối cùng, tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước. Khi cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước ở trường hợp này có nghĩa vụ xin phép sử dụng; thanh toán tiền nhuận bút, thù lao, các quyền, lợi ích vật chất khác; nộp một bản sao tác phẩm trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày phổ biến, lưu hành. Cá nhân, tổ chức thực hiện các nghĩa vụ trên tại Cục Bản quyền tác giả.

Trên cơ sở phân tích các đối tượng của chủ sở hữu quyền tác giả cũng như những đặc thù của tác phẩm, có thể thấy rằng bất kỳ các sản phẩm trí tuệ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định đều là đối tượng được bảo hộ của quyền tác giả. Tuy nhiên, để được bảo hộ, các tác phẩm đó cũng phải tuân theo những nguyên tắc bảo hộ nhất định.

Trên đây là bài viết: Chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm những đối tượng nào. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn.