Việc quản lý tập thể quyền tác giả là một mô hình hiện đại, là bước tiến quan trọng trong quá trình quản lý quyền tác giả, quyền liên quan. Trong trường hợp tác giả muốn hợp tác với nhiều bên để khai thác tác phẩm, hay một bên muốn liên hệ với nhiều tác giả để sử dụng các tác phẩm của họ, mặt khác mỗi tác giả lại không chỉ có một tác phẩm, do đó lượng công việc đồ sộ này yêu cầu một hình thức quản lý quyền tác giả thuận tiện hơn, đóng vai trò là cầu nối cho các tác giả với các bên có nhu cầu khai thác quyền tác giả. Từ những yêu cầu thực tiễn trên, việc hình thành những tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả là hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, có phải duy nhất tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan – là những tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận – mới được đại diện cho tác giả quản lý quyền tác giả, quyền liên quan hay không?
Theo pháp luật dân sự Việt Nam, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có thể tự mình quản lý hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác quản lý quyền tác giả, quyền liên quan mà mình đang nắm giữ.
Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện ủy thác quyền tác giả, quyền liên quan, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.”
Trong đó, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động sau đây theo ủy quyền bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan:
- Thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền;
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.
Theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, không phải duy nhất tổ chức tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan mới được đại diện cho tác giả quản lý quyền tác giả, quyền liên quan. Các tổ chức khác cũng được đại diện cho tác giả quản lý quyền tác giả, quyền liên quan được gọi chung là các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động sau đây theo yêu cầu của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan (Điều 57 Luật Sở hữu trí tuệ):
Tư vấn những vấn đề có liên quan đến quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan;
Đại diện cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo uỷ quyền;
Tham gia các quan hệ pháp luật khác về quyền tác giả, quyền liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo uỷ quyền.
Mặc dù không quy định trực tiếp, tuy nhiên việc đại diện theo ủy quyền để thực hiện việc quản lý quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật dân sự của Việt Nam. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có thể tự do lựa chọn bất cứ một tổ chức nào phù hợp để ủy quyền quản lý quyền tác giả, quyền liên quan của mình.
Khác với Việt Nam, Liên minh châu Âu đã quy định rất rõ ràng về các tổ chức quản lý quyền tác giả, quyền liên quan ngoài các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan dưới cái tên “tổ chức quản lý độc lập” (independent management entity – IME). Theo Chỉ thị 2014/26/EU ngày 26 tháng 2 năm 2014 của Liên minh Châu Âu (EU) về quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan và cấp phép đa lãnh thổ quyền đối với tác phẩm âm nhạc để sử dụng trực tuyến trong thị trường nội địa, các tổ chức quản lý độc lập được hiểu là:
“ “tổ chức quản lý độc lập” có nghĩa là bất kỳ tổ chức nào được pháp luật cho phép, hoặc bằng cách chuyển nhượng, cấp phép hoặc bất kỳ thỏa thuận hợp đồng nào khác để quản lý bản quyền hoặc các quyền liên quan đến bản quyền thay mặt cho nhiều chủ sở hữu quyền, vì lợi ích tập thể của những chủ sở hữu quyền đó, như mục đích duy nhất hoặc chính của nó, và tổ chức đó:
(i) không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát, trực tiếp hoặc gián tiếp, toàn bộ hoặc một phần bởi chủ sở hữu quyền; và
(ii) được tổ chức trên cơ sở vì lợi nhuận;”
Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể thấy rằng, ở tại Việt Nam hay quốc tế, không phải duy nhất tổ chức tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan mới được thực hiện việc quản lý tập thể, đại diện cho các tác giả quản lý quyền tác giả, quyền liên quan.
Trên đây là bài viết “Có phải duy nhất tổ chức tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan mới được đại diện cho tác giả quản lý quyền tác giả, quyền liên quan hay không?” Mong bài viết này có ích đối với quý vị.
Trân trọng,