Nghệ thuật ẩm thực ngày càng phát triển, các đầu bếp đã không ngừng sáng tạo, đầu tư nghiên cứu để cho ra đời những công thức nấu ăn mới, đặc sắc và có giá trị thương mại cao. Các thương hiệu ẩm thực hay những nhà hàng đều có những công thức đặc biệt của riêng mình mà chúng đóng vai trò không nhỏ quyết định sự thành công của nhà hàng đó. Vậy, liệu công thức nấu ăn có được bảo hộ quyền tác giả không?
1. Công thức nấu ăn là gì?
Công thức nấu ăn được hiểu là bản hướng dẫn cách chế biến một món ăn nhất định. Công thức nấu ăn bao gồm tên món ăn, thời gian thực hiện, các thành phẩn và số lượng nguyên liệu, tỉ lệ giữa các nguyên liệu, các thiết bị cần sử dụng, các bước thực hiện cùng các phương pháp chế biến từ sơ chế tới nấu và trình bày.
2. Công thức nấu ăn có được bảo hộ quyền tác giả không?
Theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, đối tượng bảo hộ quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học (theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ), bao gồm:
- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
- Tác phẩm báo chí;
- Tác phẩm âm nhạc;
- Tác phẩm sân khấu;
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
- Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;
- Tác phẩm nhiếp ảnh;
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Công thức nấu ăn không phải là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được nêu trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Mặc dù công thức nấu ăn cũng mang tính mới, tính sáng tạo, song bản chất của nó lại là một quy trình, phương pháp thực hiện. Theo Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ, quy trình hay phương pháp hoạt động đều không được bảo hộ quyền tác giả. Do đó, bản thân công thức nấu ăn chưa được định hình dưới dạng vật chất nhất định thì không được bảo hộ quyền tác giả.
Tuy nhiên, khi công thức nấu ăn được định hình dưới dạng chữ viết, văn bản thì được bảo hộ quyền tác giả dưới dạng tác phẩm khác hoặc giáo trình hướng dẫn nấu ăn và được bảo hộ như bảo hộ tác phẩm văn học. Người sáng tạo ra công thức nấu ăn có thể viết công thức với nội dung mô tả quy trình thực hiện và toàn bộ các phương pháp, cách thức tạo nên món ăn. Người viết ra công thức nấu ăn chính là tác giả của tác phẩm và có đầy đủ quyền nhân thân, quyền tài sản đối với tác phẩm. Ví dụ, công thức nấu ăn được in thành sách, hoặc được trình bày trong một bài báo, tạp chí thì phần văn bản công thức nấu ăn đó được bảo hộ quyền tác giả.
Việc đăng ký bảo hộ công thức nấu ăn dưới hình thức bảo hộ quyền tác giả ngăn chặn việc các cá nhân, tổ chức khác sửa chữa, sao chép, phân phối, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, cho thuê hoặc làm tác phẩm phái sinh đối với công thức nấu ăn dưới dạng văn bản. Tuy nhiên, việc bảo hộ quyền tác giả là không tuyệt đối nếu như người sáng tạo ra công thức muốn giữ bí mật về công thức này. Bởi quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện chứ không áp dụng đối với nội dung, ý tưởng của tác phẩm, người khác hoàn toàn được quyền tiếp cận, đọc công thức và làm được ra món ăn đúng như hướng dẫn.
Trong trường hợp người tạo nên công thức nấu ăn có ý định chia sẻ, hoặc mong muốn đạt được lợi ích kinh tế thông qua việc bán công thức nấu ăn dưới dạng văn bản, sách báo thì việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả như trên là hoàn toàn hợp lý. Còn trong trường hợp người sáng tạo muốn giữ bí mật hoàn toàn công thức này vì mục đích kinh doanh, công thức nấu ăn phải được đảm bảo không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được để được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh.
Vậy, công thức nấu ăn hoàn toàn có thể được bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, lựa chọn bảo hộ công thức nấu ăn dưới hình thức nào phụ thuộc vào mục đích, mong muốn của người sáng tạo nên nó.
Trên đây là bài viết “Công thức nấu ăn có được bảo hộ quyền tác giả không?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.