Một bài hát thông thường phải bao gồm cả phần nhạc và phần lời. Tuy nhiên, trên thực tế, phần nhạc và phần lời có thể do hai tác giả khác nhau sáng tác, ví dụ như trường hợp phổ nhạc cho thơ. Vậy, lời bài hát được bảo hộ như thế nào? Liệu phần nhạc và phần lời được bảo hộ tổng thể với tư cách là một tác phẩm âm nhạc hay được bảo hộ độc lập riêng rẽ?

1. Tham khảo pháp luật quốc tế về bảo hộ quyền tác giả đối với lời bài hát

Theo Điều 2 Khoản 1 của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, tác phẩm âm nhạc có lời hoặc không có lời (“musical compositions with or without word”) là một hình thức tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Tham khảo Đạo luật Bản quyền của Hoa Kỳ, tại Điều 102(a)(2) quy định tác phẩm âm nhạc, bao gồm cả các từ đi kèm (“musical works, including any accompanying words”) là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Khác với Hoa Kỳ, trong Đạo luật Bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế của Vương quốc Anh, tại Điều 3(1) quy định “tác phẩm âm nhạc” có nghĩa là tác phẩm bao gồm âm nhạc, không bao gồm bất kỳ từ ngữ hoặc hành động nào nhằm mục đích hát, nói hoặc biểu diễn cùng với âm nhạc (“ “musical work” means a work consisting of music, exclusive of any words or action intended to be sung, spoken or performed with the music”). Bên cạnh đó, đạo luật này cũng phân định rất rõ tác giả của một tác phẩm văn học (không bao gồm phần lời được hát hoặc nói bằng âm nhạc), tác giả của phần nhạc và phần lời (“ a literary work consisting of words intended to be sung or spoken with music”) tại Điều 77 Khoản 2, Khoản 3 . Tương tự, Đạo luật Bản quyền của Ấn độ cũng quy định tại Điều 2(p) rằng “tác phẩm âm nhạc” có nghĩa là tác phẩm bao gồm âm nhạc và bao gồm bất kỳ ký hiệu đồ họa nào của tác phẩm đó nhưng không bao gồm bất kỳ từ ngữ hoặc bất kỳ hành động nào nhằm mục đích hát, nói hoặc biểu diễn bằng âm nhạc .

Mặc dù cả Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Ấn Độ đều là thành viên của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, việc bảo hộ tác phẩm âm nhạc giữa các quốc gia vẫn có sự khác nhau.

2. Bảo hộ quyền tác giả đối với lời bài hát theo pháp luật Việt Nam

Tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Theo cách hiểu thông thường, có thể nhận thấy rõ một bài hát, bao gồm phần lời và phần nhạc là một tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam lại chưa quy định rõ ràng về việc một tác phẩm âm nhạc có bao gồm phần lời hay không, và phần lời đó được bảo hộ như thế nào.

Trước đây, tại Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm âm nhạc được giải thích là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Sau đó, theo Khoản 4 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thay thế cho nghị định 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, tác phẩm âm nhạc được định nghĩa là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

Quy định tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP nêu trên có thể hiểu rằng tác phẩm âm nhạc chỉ bao gồm phần âm nhạc, được thể hiện dưới dạng nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác, không bao gồm phần lời và cũng không bao gồm các bản ghi âm, ghi hình tác phẩm âm nhạc đó.

Sự thay đổi trong quy định về tác phẩm âm nhạc như trên cũng giúp tách bạch rõ ràng giữa quyền tác giả của bản nhạc và quyền tác giả của lời bài hát. Bởi phần nhạc và phần lời có thể tách riêng để sử dụng độc lập mà không làm ảnh hưởng tới phần còn lại, do vậy khi xem xét về việc bảo hộ từng phần, phần nhạc sẽ được bảo hộ dưới hình thức tác phẩm âm nhạc, còn phần lời sẽ được bảo hộ dưới hình thức tác phẩm viết. Bên cạnh đó, khi một bài hát được tạo thành bởi một tác giả soạn lời và một tác giả soạn nhạc thì cả hai tác giả sẽ được coi là đồng tác giả của bài hát, tuy nhiên phần lời và phần nhạc của bài hát đều được sáng tác một cách riêng rẽ, không ảnh hưởng đến nhau và có thể tách ra sử dụng độc lập.

Tuy nhiên, việc chỉ quy định như trên vẫn là chưa đầy đủ, pháp luật Việt Nam vẫn cần bổ sung, làm rõ hơn các quy định liên quan đến tác phẩm âm nhạc, cụ thể là nêu rõ hình thức bảo hộ đối với phần lời bài hát và hướng dẫn đăng ký quyền tác giả đối với các bài hát.

Mặt khác, việc bảo hộ lời bài hát như một tác phẩm viết đặt ra vấn đề liệu sao chép một phần lời bài hát có bị coi là xâm phạm quyền tác giả hay không. Ở đây, có hai trường hợp xảy ra, và phải xét đến tính nguyên gốc, nghĩa là sáng tạo trí tuệ riêng của tác giả. Rõ ràng, nếu hai bài hát cùng sử dụng những cụm từ thông dụng như “anh yêu em”, “anh thương em rất nhiều”,…thì không thể được coi là sao chép, xâm phạm quyền tác giả, bởi nó không thể hiện được dấu ấn sáng tạo cá nhân của tác giả. Tuy nhiên, cụm từ “Vì anh thương em, như thương cây bàng non” lại là một so sánh độc đáo, chưa ai từng sử dụng, thể hiện sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân của tác giả.

Bên cạnh đó, dưới khía cạnh thương mại, nhiều trang web nghe nhạc và các trang web khác nếu muốn đăng lời bài hát để phục vụ cho mục đích kinh doanh, hay có doanh thu từ việc đăng lời bài hát, cũng cần xin phép và trả tiền bản quyền cho tác giả.

Trên đây là bài viết “Lời bài hát được bảo hộ quyền tác giả như thế nào?”. Mong bài viết này có ích đối với quý vị.

Trân trọng,