Chương trình máy tính là một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc bảo hộ quyền tác giả như một tác phẩm văn học đối với chương trình máy tính theo pháp luật Việt Nam còn tồn tại những hạn chế, thách thức nhất định, không đạt được hiệu quả bảo hộ tối ưu. Để hiểu hơn về những điểm hạn chế về bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, bài viết xin đưa ra một số lưu ý về bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính dưới góc độ thực tiễn sau đây.
1. Tính toàn vẹn của chương trình máy tính
Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Đề giải thích rõ hơn về quy định trên, Khoản 3 Điều 20 Nghị định 22/2018/NĐ-CP đã nêu rõ: “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả”. Mặc dù quy định nêu trên giúp đảm bảo quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm nói chung, tuy nhiên đối với chương trình máy tính, việc áp dụng quy định này không đạt được hiệu quả như mong muốn bởi những lí do dưới đây.
Thứ nhất, chương trình máy tính có thể được thường xuyên cập nhật. Khác với các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả khác, chương trình máy tính được ứng dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất, làm việc của con người nên thường xuyên được cải tiến, nâng cấp với chu kỳ ngắn, trong vòng vài tháng hoặc một năm một lần. Bên cạnh đó, chương trình máy tính thường được tạo ra bởi nhóm lập trình viên, số lượng có thể từ vài người cho đến cả trăm người. Trong quá trình xây dựng, sáng tạo nên chương trình máy tính lẫn quá trình cập nhật phiên bản mới của chương trình máy tính, những người trực tiếp sửa chữa, thay đổi, sáng tạo những chức năng của chương trình máy tính có thể có sự thay đổi, không phải là những người ban đầu. Khi đó, nếu muốn thay đổi, nâng cấp chương trình, chủ sở hữu quyền tác giả phải có được sự đồng ý của tất cả đồng tác giả, gây nên sự phiền phức và rắc rối không nhỏ.
Thứ hai, có thể thấy rằng trong trường hợp tác giả (lập trình viên) không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả (nhà sản xuất chương trình máy tính), thì chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị hạn chế sự tự do thay đổi, cải tiến, nâng cấp chương trình máy tính để đưa ra thị trường. Các tác giả có thể sử dụng quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm để ngăn cản chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện nâng cấp chương trình máy tính, ngăn cản những lập trình viên khác gia nhập thực hiện công việc chỉnh sửa, cải tiến chương trình máy tính. Trong khi đó, thông thường các lập trình viên làm việc theo hợp đồng lao động với nhà sản xuất chương trình máy tính, việc thay đổi người để chỉnh sửa, nâng cấp chương trình là sự thay đổi tất nhiên. Trên thực tế, trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng hiện nay, quy định này đã làm mất đi tính chủ động cũng như ưu thế tiên phong trên thị trường của chủ sở hữu quyền tác giả.
Quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm là quyền nhân thân và không thể chuyển giao, tuy nhiên đối với đặc điểm kỹ thuật của chương trình máy tính, quy định của pháp luật Việt Nam như trên vẫn chưa đạt được sự hợp lý và hiệu quả thực tiễn.
2. Nội dung và dữ liệu đi kèm chương trình máy tính không được bảo hộ cùng với chương trình máy tính
Nội dung và dữ liệu của chương trình máy tính sẽ không được tự động bảo hộ đồng thời với việc bảo hộ chương trình máy tính. Trong trường hợp chương trình máy tính có bảo gồm dữ liệu, ví dụ như các nền tảng chỉnh sửa hình ảnh có sẵn những hình minh họa hoặc các họa tiết, hình họa để thêm vào hình ảnh của người sử dụng, hoặc các nền tảng đọc sách có chứa văn bản sách viết hoặc băn ghi sách nói,…thì chỉ bản thân chương trình máy tính đó được bảo hộ (mã nguồn hoặc mã máy) mà không bao gồm những dữ liệu đi kèm.
Như vậy, trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có nhu cầu bảo hộ chương trình máy tính kèm theo nội dung dữ liệu thì ngoài việc đăng ký bảo hộ chương trình máy tính, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần phải đăng ký quyền tác giả đối với nội dung và dữ liệu đi kèm dưới hình thức phù hợp.
3. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính
Thời hạn bảo hộ của chương trình máy tính không được quy định riêng mà nằm trong quy định chung tại Điểm b Khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, chương trình máy tính có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Xét thấy tình hình thực tiễn thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc quy định thời hạn bảo hộ như trên đối với chương trình máy tính là quá dài, không thực tế so với vòng đời sản phẩm chương trình máy tính. Quy định này có thể là rào cản cho sự sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh của những sản phẩm công nghệ.
4. Phạm vi bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính
Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định bảo hộ chương trình máy tính dưới dạng mã nguồn và mã máy. Việc quy định này mang tính khái quát cao song lại chưa có những quy định chi tiết, cụ thể hơn về việc bảo hộ các yếu tố bên trong một chương trình máy tính, cụ thể là cấu trúc của chương trình. Mặc dù trong quá trình xây dựng, cấu trúc cũng có thể thay đổi, tuy nhiên có những phần trong chương trình phản ánh cách tư duy sáng tạo cũng như thói quen sử dụng, mang dấu ấn riêng của tác giả, ví dụ như cách tổ chức, trình sự sắp xếp, menu lệnh, giao diện,… Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng chưa có sự phân loại chương trình máy tính thành các loại có chức năng, mục tiêu khác biệt nhau như hệ điều hành, phần mềm lập trình, phần mềm ứng dụng.
Trên đây là nội dung bài viết “Một số lưu ý về bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính”. Bản Quyền Việt Nam hy vọng bài viết này có ích với bạn đọc.
Trân trọng.