Hành vi đạo văn nói chung là một hành vi không được chấp nhận trong xã hội, là hành vi lấy công sức, thành quả của người khác làm thành tác phẩm của mình. Hành vi xâm phạm quyền tác giả là hành vi sao chép, sử dụng tác phẩm mà không xin phép, không trả tiền bản quyền cho tác giả theo quy định của luật. Vậy, liệu đạo văn có phải là xâm phạm quyền tác giả hay không, và phân biệt hai hành vi này như thế nào?

“Đạo văn” không phải là một khái niệm trong pháp luật, nói cách khác, pháp luật Việt Nam hiện nay không có những quy định cụ thể, rõ ràng để định nghĩa hay giải thích về vấn đề đạo văn. Đạo văn là vấn đề được xem xét dưới góc độ đạo đức, còn xâm phạm quyền tác giả là một vấn đề pháp lý, được quy định rõ ràng ở trong luật.

Đạo văn là hành động sao chép tác phẩm hoặc sử dụng ý tưởng, phương pháp trong tác phẩm của người khác và đưa vào trong tác phẩm của mình, thể hiện chúng như tác phẩm gốc của chính mình. Trong môi trường học thuật, đạo văn là hành vi vi phạm quy tắc đạo đức học thuật nghiêm trọng. Hành vi đạo văn có thể do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Một số hành vi đạo văn thường thấy có thể kể đến như là:

  • Trích dẫn không đúng cách các tài liệu nguồn;
  • Lấy tác phẩm của người khách và xem như là của mình, bao gồm cả việc lấy từ việc dịch tác phẩm nước ngoài;
  • Diễn giải lại tác phẩm của người khác bằng cách thay đổi một số từ ngữ, thay đổi thứ tự các câu, hoặc bám sát cấu trúc lập luận của họ để tạo thành tác phẩm của mình;
  • Tự đạo văn của chính mình (ví dụ, gửi đồng thời tác phẩm của mình tới nhiều tòa soạn, hoặc sử dụng mà không trích dẫn rõ ràng đối với bài viết đã được xuất bản trước đây của chính mình).

Hành vi xâm phạm quyền tác giả là những hành vi được quy định rõ tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Những hành vi xâm phạm thường thấy như là: sao chép tác phẩm; làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm; phát sóng, phân phối, truyền đạt đến công chúng tác phẩm;…mà không xin phép, không trả tiền bản quyền cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Người thực hiện những hành vi xâm phạm quyền tác giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cụ thể là chịu các chế tài hành chính hoặc hình sự, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Giữa đạo văn và xâm phạm quyền tác giả có điểm tương tự nhau về biểu hiện, ví dụ như việc tự ý sao chép, sử dụng tác phẩm, mạo danh tác giả, tuy nhiên không phải mọi hành vi đạo văn đều được coi là xâm phạm quyền tác giả và cũng không phải hành vi xâm phạm quyền tác giả nào cũng được coi là đạo văn. Cụ thể, bài viết đưa ra ví dụ với các trường hợp như sau:

  • Có đạo văn nhưng không xâm phạm quyền tác giả: một người có thể lấy kết quả trong tác phẩm nghiên cứu của người khác đưa vào trong tác phẩm nghiên cứu của mình nhưng không trích dẫn, không ghi tên tác phẩm được trích dẫn và tác giả của tác phẩm đó.
  • Xâm phạm quyền tác giả nhưng không đạo văn: hành vi sử dụng các tư liệu có sẵn trên internet gồm ảnh chụp, video, tranh vẽ, bản ghi âm, ghi hình, các bài viết nhưng không nằm trong các trường hợp ngoại lệ được phép sử dụng mà luật pháp quy định, vẫn có thể bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Ví dụ, đăng lại các bài báo, tác phẩm truyện ngắn của người khác lên trang blog, trang web của mình mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Trên đây là bài viết “Phân biệt “xâm phạm quyền tác giả” và “đạo văn””. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng