Có thể hiểu chuyển giao quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chuyển giao một phần hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền nhân thân được phép chuyển nhượng thuộc quyền sở hữu của mình cho các cá nhân, tổ chức khác. Trong đó, hai hình thức chuyển giao quyền bao gồm chuyển nhượng và chuyển quyền sử dụng tác giả. Vậy về bản chất, hai hình thức chuyển giao này như thế nào và khác nhau ra sao theo quy định của pháp luật Việt Nam? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ các vấn đề quy định chung của pháp luật Việt Nam về chuyển giao quyền tác giả để từ đó giúp hiểu được bản chất cốt lõi của từng hình thức.
1. Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan
Theo quy định tại Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ, chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền tài sản và một số quyền nhân thân thuộc quyền tác giả và quyền liên quan. Khi chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, bên chuyển nhượng sẽ chấm dứt quyền sở hữu của mình đối với một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản thuộc quyền tác giả, quyền liên quan, cần phân biệt điều này với việc chủ sở hữu chỉ chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan mà vẫn nắm giữ quyền sở hữu đối với các quyền đó.
Nội dung những quyền được phép chuyển nhượng này được quy định cụ thể tại Điều 19, Điều 20, Khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, các quyền có thể chuyển nhượng được bao gồm quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; các quyền tài sản đối với tác phẩm của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và người biểu diễn; các quyền tài sản của nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng (sao chép, phân phối, cho thuê bản ghi âm, ghi hình, định hình chương trình phát sóng, phát sóng…).
Theo quy định nêu trên, chủ sở hữu, tác giả của tác phẩm không được chuyển nhượng những quyền sau, bao gồm:
- Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân gồm:
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân gồm:
- Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
- Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
Lưu ý, trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu những tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
2. Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan
Theo quy định tại Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản thuộc quyền tác giả và quyền liên quan. Khác với chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, việc chuyển quyền sử dụng cho phép người khác ngoài chủ sở hữu được sử dụng, khai thác tác phẩm theo thỏa thuận giữa hai bên về phạm vi, thời hạn, mục đích sử dụng,…mà bên chuyển quyền vẫn giữ nguyên vai trò chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.
Về đối tượng của giao dịch, các quyền nhân thân, quyền tài sản được phép thực hiện chuyển quyền sử dụng được quy định tại Điều 19, Điều 20, Khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
- Đặt tên cho tác phẩm;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Các quyền tài sản theo quy định như: làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm,…;
- Quyền tài sản của người biểu diễn gồm định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình; sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình; phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được; Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được; cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trong bản ghi âm, ghi hình; phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản định hình cuộc biểu diễn của mình;
- Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình gồm sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình; nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được;
- Quyền của tổ chức phát sóng gồm phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình; phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình, định hình chương trình phát sóng của mình; sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình;
- Tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
Tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. Do xuất phát từ việc đây là một loại hợp đồng dân sự, trong đó thỏa thuận của các bên được đặt lên hàng đầu.
Trên đây là bài viết “Quy định chung về chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan theo pháp luật Việt Nam”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,