Khi nhắc đến biểu diễn, mọi người quen thuộc và nghĩ ngay đến các loại hình nghệ thuật biểu diễn như kịch, múa, hay là việc ca sĩ trình bày một ca khúc trên sân khấu. Tuy nhiên, dưới góc độ Luật Sở hữu trí tuệ, “biểu diễn tác phẩm trước công chúng” không được hiểu theo cách thông thường như trên và cũng không chỉ giới hạn với những loại hình nghệ thuật đó, mà được hiểu theo một cách rộng hơn. Vậy, cụ thể, theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, việc biểu diễn và  quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng được hiểu như thế nào?  

1. Quyền biểu diễn tác phẩm là gì và thuộc về ai?

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền biểu diễn được hiểu là quyền được “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm.”

Từ đó, có thể thấy rằng phạm vi của quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng được quy định khá rộng rãi, bảo gồm cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, và không bị giới hạn chỉ trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn thông thường như kịch, nhạc kịch, múa, trình bày bài hát trên sân khấu,…

Quyền biểu diễn tác phẩm là một trong những quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được phép độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Điểm b Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ đã ghi nhận quyền biểu diễn tác phẩm tác phẩm trước công chúng là một trong những quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Do đó, nếu tổ chức, cá nhân muốn thực hiện biểu diễn tác phẩm phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Nội dung quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng với từng loại hình tác phẩm

Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã làm rõ hơn nội dung về quyền biểu diễn đối với từng loại hình tác phẩm cụ thể như sau:  

  • Đối với tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ, tác phẩm thể hiện dưới dạng chữ viết: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc thuyết trình, trình bày làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm bằng thính giác nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm, bao gồm cả việc cảm nhận từ bên ngoài không gian nơi đang diễn ra việc thuyết trình, trình bày qua màn hình, loa hoặc thiết bị kỹ thuật tương tự.
  • Đối với tác phẩm âm nhạc: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc biểu diễn làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm bằng thính giác hoặc trình bày tác phẩm trên sân khấu cho công chúng nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm, bao gồm cả việc cảm nhận từ bên ngoài không gian nơi đang diễn ra việc biểu diễn qua màn hình, loa hoặc thiết bị kỹ thuật tương tự.
  • Đối với tác phẩm điện ảnh: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc trình chiếu làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm điện ảnh thông qua các phương tiện kỹ thuật nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm.
  • Đối với tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc triển lãm, trưng bày, trình chiếu để công chúng xem bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm.

Trên đây là bài viết “Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là gì?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.