Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Theo đó, sao chép là gì và trường hợp nào sao chép tác phẩm được coi là hợp pháp theo quy định của Luật SHTT Việt Nam.
1. Sao chép là gì?
Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử.
Đối với tác phẩm chưa được công bố thì chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện sao chép tác phẩm. Trong trường hợp này chỉ có chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép mới được sao chép tác phẩm.
Đối với tác phẩm đã được công bố, các tổ chức, cá nhân khác muốn sao chép thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cùng các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Trường hợp sao chép tác phẩm không xâm phạm quyền tác giả
Mặc dù sao chép tác phẩm là một trong các quyền tài sản mà khi khai thác, sử dụng thì tổ chức, cá nhân phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Tuy nhiên, pháp luật vẫn quy định một số trường hợp ngoại lệ tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ đối với việc sao chép tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao gồm:
- Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân.
- Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu
Ngoài ra, Điều 25 Nghị định 17/2023/NĐ-CP cũng hướng dẫn sao chép hợp lý một tác phẩm bằng thiết bị sao chép như sau:
“Điều 25. Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép
1. Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại quy định tại các điểm b và e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là hành vi sao chép hợp lý không quá một bản một phần tác phẩm.
2. Thiết bị sao chép quy định tại các điểm a, b và e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là thiết bị có chức năng sao chép với toàn bộ hoặc một phần linh kiện liên quan được tự động hóa trên cơ sở có hoặc không có trả tiền dịch vụ bởi bất kỳ ai không thuộc về tổ chức sở hữu, chiếm hữu hoặc khai thác thương mại thiết bị đó.
3. Đối với tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết, hành vi sao chép hợp lý quy định tại khoản 1 Điều này là hành vi sao chép bằng cách photocopy, chụp ảnh hoặc hình thức tương tự khác tối đa không quá 10% tổng số trang hoặc tổng đơn vị lưu trữ (bytes), tổng số từ của ấn bản, độ dài nội dung của ấn bản đối với tác phẩm được cung cấp dưới dạng ấn bản điện tử không chia trang.
Hành vi sao chép hợp lý bằng thiết bị sao chép quy định tại khoản này phải là hành vi độc lập với từng tổ chức, cá nhân thực hiện và nếu có sự lặp lại thì đó là các trường hợp riêng lẻ không liên quan đến nhau trên cùng một tác phẩm.
4. Tổ chức, cá nhân sao chép tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết với tỷ lệ phần trăm nhiều hơn mức quy định tại khoản 3 Điều này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.”
Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc không thuộc các trường hợp nêu trên là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Trên đây là bài viết “Sao chép tác phẩm như nào để không xâm phạm quyền tác giả”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,