Những khẩu hiệu kinh doanh (slogan, tagline) là một trong những cách gây ấn tượng, thu hút người tiêu dùng, đồng thời cũng là dấu hiệu để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu. Ví dụ, câu khẩu hiệu của hãng giày Nike là “Just do it”, của Disneyland là “ When dreams come true” và của CocaCola là “open happiness”,…Bản thân những khẩu hiệu kinh doanh thường thấy là những cụm từ hoặc câu rất đơn giản nhưng lại gây ấn tượng và mang lại hiệu quả không nhỏ trong kinh doanh. Vậy liệu những khẩu hiệu đó có được bảo hộ quyền tác giả hay không?
1. Slogan và tagline là gì?
Slogan và tagline đều là những cụm từ hoặc câu ngắn gây ấn tượng, được các thương hiệu sử dụng để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết, phân biệt thương hiệu và sản phẩm của thương hiệu đó với các thương hiệu khác.
Slogan là cụm từ hoặc câu ngắn, ấn tượng và hấp dẫn, thường được sử dụng để truyền tải giá trị của sản phẩm và tinh thần của thương hiệu trong chiến dịch quảng cáo. Slogan thường gắn với những sản phẩm nhất định và có thời gian xuất hiện ngắn hạn. Slogan có thể được thay đổi khi thương hiệu ra mắt sản phẩm mới hoặc thực hiện một chiến dịch quảng cáo mới.
Tagline là một cụm từ hoặc một câu ngắn gọn được sử dụng để tuyền tải giá trị của một thương hiệu, giúp tạo ấn tượng lâu dài với người tiêu dùng và nâng cao nhận thức về tổng thể thương hiệu. Tagline được lồng ghép và giúp thể hiện giá trị cốt lõi của thương hiệu, tầm nhìn cũng như sứ mệnh lâu dài của thương hiệu đó. Tagline luôn song hành với hình ảnh của thương hiệu, được sử dụng lâu dài và hầu như không thay đổi trong thời gian thương hiệu hoạt động. Tagline thường ngắn gọn hơn slogan.
Để có thể có những câu slogan, tagline gây ấn tượng mạnh, có hiệu quả cao, những người sáng tạo đều phải trải qua quá trình suy nghĩ, sáng tạo và nghiên cứu kĩ lưỡng. Tuy nhiên, sản phẩm tạo ra là một câu khẩu hiệu, dưới góc độ sở hữu trí tuệ, việc câu khẩu hiệu này có được bảo hộ quyền tác giả hay không còn phụ thuộc vào hình thức thể hiện của câu khẩu hiệu đó.
2. Slogan, tagline có được bảo hộ quyền tác giả không?
Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả là những tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, bao gồm:
- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
- Tác phẩm báo chí;
- Tác phẩm âm nhạc;
- Tác phẩm sân khấu;
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
- Tác phẩm mỹ thuật; mỹ thuật ứng dụng;
- Tác phẩm nhiếp ảnh;
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Các slogan, tagline thường chỉ là những cụm từ hoặc câu ngắn, có thể được định hình dưới dạng viết, hoặc trên logo thiết kế đồ họa, hoặc bản ghi âm quảng cáo. Tuy nhiên, nếu câu slogan, tagline được định hình dưới dạng viết, tách riêng khỏi logo của thương hiệu thì không được coi là một tác phẩm viết, không thuộc một trong các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả nêu trên. Bởi khi tách riêng ra khỏi thương hiệu, cụm từ hoặc câu khẩu hiệu đó hoàn toàn là một câu nói đời thường, không truyền tải được ý nghĩa mà thương hiệu muốn gửi gắm, không đảm bảo tính sáng tạo của tác phẩm. Khi đó, các câu khẩu hiệu kinh doanh như slogan, tagline không được bảo hộ quyền tác giả.
Bên cạnh đó, nếu như câu slogan, tagline được thiết kế đi kèm với logo của thương hiệu thì phần thiết kế đó được coi như là một phần của logo và có thể được bảo vệ quyền tác giả dưới danh nghĩa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Mặt khác, nếu slogan, tagline được định hình dưới dạng bản ghi âm thì bản ghi âm đó sẽ được bảo hộ quyền liên quan. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện mà không bảo hộ nội dung, do đó trong hai trường hợp này, việc sở hữu quyền tác giả đối với logo thương hiệu và bản ghi âm chứa slogan, tagline sẽ chỉ ngăn những người khác sao chép, sử dụng hai đối tượng này mà không ngăn cản người khác bắt chước slogan, tagline đó để sử dụng cho thương hiệu của họ.
Vậy, slogan và tagline không thể được bảo hộ nếu được thể hiện dưới dạng chữ viết thông thường. Chỉ khi slogan, tagline được thiết kế gắn liền với logo thương hiệu, hoặc được thể hiện dưới dạng bản ghi âm thì sẽ được bảo hộ quyền tác giả đối với hình thức thể hiện tác phẩm tương ứng.
Trên đây là bài viết “Slogan, tagline của thương hiệu có được bảo hộ quyền tác giả không?”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,