Tại các cơ quan báo chí, biên dịch là công việc diễn ra thường xuyên nhằm chuyển tải tới công chúng các thông tin từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Vậy những tác phẩm báo chí đã được biên dịch có được đăng ký bảo hộ quyền tác giả hay không, mời bạn đọc theo dõi bài viết của VCD để tìm hiểu thêm.
1. Tác phẩm báo chí được biên dịch là gì?
Theo cách hiểu thông thường, dịch thuật là việc chuyển thể từ vựng, câu, văn bản… từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Nói một cách học thuật hơn, dịch là quá trình chuyển đổi từ một ngôn ngữ nguồn dạng văn bản hoặc lời nói thành ngôn ngữ đích dạng văn bản hoặc lời nói tương ứng. Có thể nói rằng, tác phẩm báo chí biên dịch là dịch một tác phẩm báo chí từ ngôn ngữ này, sang ngôn ngữ khác với nội dung tương ứng.
Mỗi tác phẩm báo chí đều mang trong mình những ngữ cảnh và văn hóa khác nhau, đòi hỏi người dịch phải có trình độ chuyên môn sâu và có kiến thức về ngôn ngữ cũng như có kiến thức chung về báo chí, nhất là đặc điểm của ngôn ngữ báo chí, phong cách báo chí. Sự linh hoạt và nhạy bén của người làm công tác dịch sẽ giúp cho thông tin đến được với công chúng một cách chuẩn xác, cụ thể và hiệu quả.
Mục đích chính của quá trình dịch thuật là cầu nối giữa các ngôn ngữ khác nhau. Vì vậy, dịch các tác phẩm báo chí từ ngôn ngữ khác sang tiếng Việt để có thể tiếp cận được lượng người đọc lớn hơn, đưa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới xích lại gần nhau hơn.
2. Tác phẩm báo chí dịch từ tiếng nước ngoài có được đăng ký bản quyền hay không?
Tác phẩm báo chí dịch từ tiếng nước ngoài là bản được dịch ra một ngôn ngữ khác dựa trên ngôn ngữ gốc của văn bản đó. Theo đó tác phẩm báo chí dịch từ tiếng nước ngoài được coi là một loại tác phẩm phái sinh.
Căn cứ theo Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “8. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh”.
Tác phẩm báo chí biên dịch được bảo hộ quyền tác giả khi đáp ứng 04 điều kiện sau:
- Không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc: Theo khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Các tác phẩm dùng để làm tác phẩm phái sinh bao gồm các phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.
- Phải do tác giả làm tác phẩm phái sinh trực tiếp sáng tạo: Khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm phái sinh được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
- Được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc: Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc. Trong trường hợp không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả (Trừ khi tác phẩm phái sinh thuộc các trường hợp tại Điều 25 và Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ).
- Phải có dấu ấn riêng của tác giả tác phẩm phái sinh: Tác phẩm phái sinh là những tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm gốc. Nên để tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì phải có tính sách tạo, mới mẻ và mang dấu ấn của tác giả sáng tạo ra tác phẩm phái sinh đó.
Như vậy, tác phẩm báo chí dịch từ tiếng nước ngoài muốn được bảo hộ quyền tác giả thì không được gây phương hại đến quyền nhân thân và quyền tài sản của văn bản gốc.
Trên đây là bài viết “Tác phẩm báo chí dịch từ tiếng nước ngoài có được bảo hộ quyền tác giả không?”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,