Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế giải trí phát triển hơn, thị trường mua bán quyền tác giả, quyền liên quan của bài hát càng trở nên sôi động và đồng thời dấy lên nhiều tranh cãi, đặc biệt là vấn đề “độc quyền bài hát”.Vậy, “ độc quyền bài hát” và vi phạm “độc quyền bài hát” được hiểu như thế nào? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ những vấn đề xoay quanh việc độc quyền khai thác, sử dụng bài hát, vấn đề vi phạm quyền của chủ sở hữu, quyền của những người được chuyển giao quyền sử dụng, khai thác tác phẩm và các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm nêu trên trên.

1. Hiểu như thế nào là đúng về “độc quyền bài hát” dưới góc độ của Luật Sở hữu trí tuệ

Bài hát là một trong những đối tượng bảo hộ quyền tác giả, thuộc loại hình tác phẩm âm nhạc (Theo Điều 14 Khoản 1 Luật Sở hữu trí tuệ). Theo Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Quyền tác giả, quyền liên quan đối với bài hát là tài sản trí tuệ quan trọng của mỗi tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo Điều 20 Khoản 2 Luật Sở hữu trí tuệ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền tài sản quyền công bố tác phẩm. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một hoặc một số hoặc toàn bộ quyền thuộc quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm thì phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ những trường hợp ngoại lệ không vì mục đích thương mại do pháp luật quy định, ví dụ như trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình, tự sao chép một bản đểnghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại,…[1]

Như vậy, “độc quyền bài hát” có thể được hiểu theo là việc chỉ có một cá nhân, một nhóm cá nhân hoặc tổ chức duy nhất được nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ quyền tài sản, và quyền công bố bài hát trong một khoảng thời gian nhất định, không kể đến những trường hợp ngoại lệ không vì mục đích thương mại được quy định trong luật. Người nắm giữ “độc quyền bài hát” có thể là các tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đối với bài hát hoặc những cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền với thỏa thuận rằng chỉ duy nhất cá nhân, tổ chức đó được quyền sử dụng một hoặc một số quyền tác giả, quyền liên quan trong một khoảng thời gian nhất định.

2. Những hành vi được coi là “vi phạm độc quyền bài hát” phổ biến

Bản chất của hành vi “vi phạm độc quyền bài hát” là sự xâm phạm quyền tác giả đối với các cá nhân, tổ chức nắm giữ quyền độc quyền khai thác, sử dụng bài hát đó, tức là việc cá nhân, tổ chức không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, không có quyền khai thác, sử dụng hoặc không được cho phép vẫn tự ý khai thác, sử dụng các quyền thuộc quyền tác giả trong thời gian được bảo hộ, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu. Một số hành vi xâm phạm quyền “độc quyền bài hát” phổ biến hiện nay được đề cập như sau đây:

  • Việc sử dụng tác phẩm không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật: Ca sĩ không sử dụng bài hát đúng với mục đích biểu diễn ban đầu khi xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và không trả tiền nhuận bút cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả;  những cá nhân, tổ chức tự ghi âm, ghi hình bài hát và đăng tải trên các nền tảng video, phát sóng như Youtube (thường được gọi là “cover” bài hát), tự phát sóng trực tiếp (“livestream”) cũng như hát các bài hát trên các trang mạng xã hội và thu lợi nhuận mà không được nhạc sĩ cho phép.
  • Sản xuất bản sao, phân phối hoặc truyền đạt bài hát đến công chúng: Nhiều trang web đã đăng tải bản sao bản ghi âm, ghi hình bài hát và cho phép người khác tải xuống những bản sao đó để kiếm thu nhập trong khi không xin phép đăng tải tác phẩm, không trả tiền cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan của các bản ghi âm, ghi hình đó.
  • Hành vi tự ý cắt xén, sửa chữa tác phẩm cũ ng là một hành vi vi phạm thường thấy. Nếu các cá nhân, tổ chức có hành vi sửa chữa, thay lời của bài hát mà không được nhạc sĩ sáng tác bài hát cho phép, hành vi đó cũng bị xem là xâm phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
  • Thêm vào đó, cần lưu ý trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát đã chuyển quyền độc quyền sử dụng bài hát cho nghệ sĩ A trong một thời gian và đã chấm dứt hợp đồng; sau đó tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả lại chuyển nhượng quyền tác giả hoặc chuyển quyền độc quyền sử dụng bài hát cho ca sĩ B, khi đó nếu nghệ sĩ A vẫn tiếp tục sử dụng và biểu diễn bài hát đó trong các buổi biểu diễn vì mục đích thương mại, nghệ sĩ A sẽ bị xem là đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và ca sĩ B.

3. Các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm “độc quyền bài hát”

Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, bất cứ cá nhân hay tổ chức nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có hành vi xâm phạm quyền độc quyền khai thác, sử dụng bài hát đều có thể sẽ bị xử lý bằng chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm.

  • Chế tài dân sự

Khi có hành vi xâm phạm quyền độc quyền khai thác, sử dụng bài hát, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có thể khởi kiện vụ án ra Tòa và yêu cầu Tòa án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự như: (i) buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm; (ii) buộc xin lỗi, cải chính công khai; (iii) buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; (iv) buộc bồi thường thiệt hại; (v) buộc tiêu huỷ; (vi) buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại, không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

  • Chế tài hành chính

Khi có yêu cầu từ chủ thể của quyền, hoặc từ các tổ chức, cá nhân khác mà đã phát hiện hoặc bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền độc quyền khai thác, sử dụng bài hát, hoặc khi hành vi vi phạm bị phát hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền, hành vi vi phạm đó sẽ bị các cơ quan này áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định. Các cá nhân, tổ chức nào có hành vi hành chính “vi phạm độc quyền bài hát” thì sẽ có thể bị xử phạt theo các quy định tại Điều 12, Điều 17, Điều 24, Điều 25 đến Điều 31, Điều 33 và Điều 34 tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải sửa lại cho đúng họ và tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn; dỡ bỏ bản sao của tác phẩm mà vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật (“dỡ bỏ bản sao tác phẩm”); buộc hoàn trả lại cho chủ sở hữu của quyền tác giả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm đó.

  • Chế tài hình sự

Khi hành vi vi phạm có yếu tố cấu thành tội phạm, cá nhân, pháp nhân nào thực hiện hành vi vi phạm đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, nếu một cá nhân không được phép của chủ thể quyền tác giả mà lại cố ý sao chép tác phẩm hoặc phân phối đến công chúng bản sao của tác phẩm xâm phạm đến quyền tác giả đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Pháp nhân thương mại vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, hoặc bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vự nhất định, hoặc cấm huy động vốn trong khoảng thời gian nhất định.

Các quyền tác giả đối với bài hát của nhạc sĩ sẽ được pháp luật SHTT bảo hộ hợp pháp kể cả khi nhạc sĩ không nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, vì quyền tác giả đã phát sinh ngay khi bài hát được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền được bảo vệ của nhạc sĩ theo quy định, nhạc sĩ có thể đăng ký quyền tác giả với Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc nhạc sĩ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi, chứng minh quyền của nhạc sĩ khi có phát sinh tranh chấp.

Trân trọng,


[1] Xem quy định cụ thể trong các bài viết sau đây:

Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao;

Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao