Khi bị xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, việc xác định thiệt hại xảy ra không phải là một vấn đề dễ dàng. Vậy, thiệt hại xảy ra khi quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm được xác định như thế nào? Đây là một trong những nội dung được hướng dẫn tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
1. Nguyên tắc chung
Theo Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:
- Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại;
- Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn.
Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 69 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.
- Được coi là có tổn thất thực tế nếu có đủ các căn cứ sau đây:
- Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại: Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là kết quả (sản phẩm) của quyền tác giả, quyền liên quan và người bị thiệt hại là người có quyền hưởng lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó;
- Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích nêu trên trong điều kiện nhất định nếu không có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan xảy ra;
- Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.
Trong đó, mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Mức độ thiệt hại được xác định phải phù hợp với yếu tố xâm phạm quyền đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, phải dựa trên chứng cứ về thiệt hại do các bên cung cấp, kể cả kết quả giám định và bản kê khai thiệt hại, trong đó làm rõ các căn cứ để xác định và tính toán mức độ thiệt hại.
2. Xác định thiệt hại cụ thể do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
2.1.Thiệt hại về tinh thần
Các thiệt hại cụ thể bao gồm bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm, bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, uy tín, danh tiếng, lòng tin vì bị hiểu nhầm, thời gian chịu đựng tổn thất, mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm và đến mức cá nhân, tổ chức vi phạm phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần.
2.2.Thiệt hại về tài sản
Thiệt hại về tài sản được xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ. Các giá trị đó được xác định như sau:
- Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan;
- Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền tác giả, quyền liên quan;
- Giá trị quyền tác giả, quyền liên quan trong tổng số tài sản của doanh nghiệp;
- Giá trị đầu tư cho việc nghiên cứu, sáng tạo và phát triển để tạo ra tác phẩm, đối tượng quyền liên quan, bao gồm các chi phí đầu tư, nghiên cứu, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất, chi phí tiếp thị, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác.
Việc xác định giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan do doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá được sử dụng làm một trong những cơ sở để tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá của tài sản thẩm định giá.
2.3. Giảm sút về thu nhập, lợi nhuận
Các loại thu nhập, lợi nhuận được xem xét bao gồm:
- Thu nhập, lợi nhuận thu được do trực tiếp, gián tiếp khai thác, sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan;
- Thu nhập, lợi nhuận thu được do cho thuê đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan là bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính;
- Thu nhập, lợi nhuận thu được do chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan;
- Thu nhập, lợi nhuận thu được do chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.
Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây:
- Ảnh hưởng đến khai thác bình thường tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng: So sánh số lượng bản sao thực tế tiêu thụ hoặc cung ứng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm; so sánh tần suất khai thác, sử dụng, công chiếu, phát sóng, truyền đạt, truy cập tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm; so sánh số lượng khách hàng sử dụng, thuê bao trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm;
- So sánh giá bán thực tế trên thị trường của bản sao trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm;
- Gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền: So sánh trực tiếp doanh thu có được từ việc khai thác, sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm, tương ứng với từng loại thu nhập quy định tại khoản 1 Điều này.
2.4. Tổn thất về cơ hội kinh doanh
Cơ hội kinh doanh bị tổn thất được hiểu là:
- Khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu thông qua thực tế sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan trong kinh doanh; số lượng khách hàng sử dụng;
- Khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu thông qua quảng cáo, tiếp thị có sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan;
- Khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu thông qua việc cho người khác thuê đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan là bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, bản ghi âm, ghi hình;
- Khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu thông qua thực tế chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, chuyển nhượng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan cho người khác;
- Cơ hội kinh doanh khác bị mất do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trực tiếp gây ra.
Tổn thất về cơ hội kinh doanh là thiệt hại về giá trị tính được thành tiền của khoản thu nhập đáng lẽ người bị thiệt hại có thể có được khi thực hiện các khả năng nêu trên nhưng thực tế không có được khoản thu nhập đó do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan gây ra.
2.5. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại
Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại gồm chi phí cho việc tạm giữ, bảo quản, lưu kho, lưu bãi đối với hàng hóa xâm phạm, chi phí thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chi phí hợp lý để thuê luật sư, chi phí hợp lý để thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi xâm phạm và chi phí cho việc thông báo, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Trên đây là bài viết “Xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”. Mong bài viết này có ích đối với quý vị.
Trân trọng,