Cùng với sự phát triển của các nền tảng truyền thông số, mạng xã hội, dịch vụ phát nội dung online vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng, đặc biệt lĩnh vực âm nhạc luôn là chủ đề nhức nhối trong dư luận. Vậy hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào? Mời các bạn theo dõi bài viết “Xử lý vi phạm bản quyền đối với tác phẩm âm nhạc” của VCD.
1. Vi phạm bản quyền đối với tác phẩm âm nhạc là gì?
Bản quyền (hay quyền tác giả) là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng để mô tả quyền mà tác giả có đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật của họ.
Vi phạm bản quyền là việc sử dụng trái phép tác phẩm có bản quyền của người khác mà không có sự cho phép. Từ đó vi phạm một số quyền nhất mà chủ thể của những tác phẩm đó được cấp quyền sao chép, quyền phân phối, hiển thị hoặc thực hiện tác phẩm được bảo vệ. Chủ thể bản quyền ở đây có thể là tác giả, người tạo ra tác phẩm, nhà xuất bản hoặc doanh nghiệp được giao quyền phân phối.
Theo đó, vi phạm bản quyền âm nhạc có thể hiểu là bài hát, tác phẩm âm nhạc bị cắt, sử dụng mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bài hát. Cụ thể hơn là các hành vi như ăn cắp logo, tên tác phẩm; sửa chữa trái phép, sử dụng cho mục đích quảng cáo thương mại, bán bất hợp pháp và phổ biến nhất là sao chép và đạo văn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sáng tạo và quyền bảo vệ tác phẩm âm nhạc của chính tác giả.
2. Thực trạng vi phạm bản quyền âm nhạc hiện nay
Mới đây, Diễn đàn bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc (do Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL và Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc – KCOPA tổ chức) diễn ra tại TP.HCM sáng 26/3. Diễn đàn được tổ chức với Chủ đề “Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác giữa hai quốc gia”, đặc biệt tập trung vào nội dung bảo hộ quyền tác giả âm nhạc.
Thông tin về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Trong đó, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong giai đoạn 2018-2022 có sự tăng trưởng, giá trị sản xuất bình quân tăng 5,59%/năm, giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bình quân tăng 5,67%/năm. Việt Nam được xem là có tiềm năng phát triển thị trường âm nhạc, có đủ điều kiện và cơ sở vật chất để thực hiện các chương trình biểu diễn âm nhạc lớn, quy mô quốc tế.
Tuy nhiên hiện nay việc vi phạm bản quyền được phát hiện nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được thực hiện thông qua các hành vi chiếm đoạt, mạo danh tác giả, chủ sở hữu quyền; sao chép, công bố, phân phối tác phẩm, sửa chữa tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu, gây thiệt hại đáng kể cho các chủ thể quyền, đồng thời cũng gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý, thực thi trong việc phát hiện và xử lý. Ví dụ như ca khúc Chúng ta của tương lai – Sơn Tùng MTP có vô số trang cho phép tải về máy miễn phí ngay sau khi ca sĩ phát hành chi vài giờ.
Vì vậy cần áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định của pháp luật, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả.
3. Xử phạt vi phạm bản quyền đối với tác phẩm âm nhạc
Căn cứ theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về các mức xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm như sau:
Đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả: Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP có một số khoản bị thay thế bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP:
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại: Căn cứ theo Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP có một số khoản bị thay thế bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:
+ Đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, cửa hàng, siêu thị mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng:
+ Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định;
+ Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong lĩnh vực hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh thương mại khác mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu theo quy định.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng:
+ Đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số đối với hành vi quy định.
Trên đây là bài viết của VCD : xử lý vi phạm bản quyền đối với tác phẩm âm nhạc. Mong sẽ giúp ích cho bạn.